Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

SỰ THẬT VỀ VỤ TƯỞNG NIỆM LÍNH TRUNG QUỐC CHẾT NĂM 1979 TẠI LAI CHÂU

(Đoàn tảo mộ CLB chiến hữu thiết đạo binh huyện Tân Tân, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc)
Mới đây trang mạng RFA (Đài châu Á tự do) đã đưa lên mạng các bức ảnh được cho là chụp một nhóm người Trung Quốc đang cầm khẩu hiệu trước tượng đài ở quảng trường trung tâm TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu của Việt Nam.

Trang mạng này bình luận:

“Những người trong ảnh là đội cựu chiến binh của Thiết đạo Binh (đội quân làm đường – công binh) huyện Tân Tân, Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Họ tới Việt Nam để thăm mộ những người lính Trung Quốc chết năm 1979. Đối với người Trung Quốc, trận chiến năm 1979 vẫn được coi là chiến thắng, dù cho thiệt hại vô cùng lớn.

Họ ngang nhiên phất cao cờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cầm khẩu hiệu tiếng Hán, với nội dung tưởng niệm những người đã mất trong năm 1979 giữa một quảng trường của Việt Nam”.


Các bức ảnh cùng những thông tin trên đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook và khiến nhiều người bức xúc. Và tất nhiên một nhóm người lấy làm hả hê, đăng đi đăng lại để bôi nhọ nhà nước, chính quyền

Tuy nhiên, chỉ cần có một chút kiến thức về lịch sử và Hoa ngữ cũng có thể nhận ra hai sự xuyên tạc trắng trợn của đài RFA.

Sự xuyên tạc thứ nhất: Có thể khẳng định chắc chắn rằng ở Việt Nam không có một nấm mộ nào của lính Trung Quốc tử trận trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, vì người Việt Nam không có truyền thống xây mộ cho quân xâm lược.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam chỉ có một số nghĩa trang quy mô nhỏ ở Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai được xây dựng cho các lính công trình người Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam thực hiện các công trình dân sinh và quốc phòng vào thập niên 1960. Những người Trung Quốc nằm ở các nghĩa trang này không có nợ máu với Việt Nam và sự tồn tại của các nghĩa trang này không có gì là bí mật.

Một nghĩa trang của lính Trung Quốc ở Yên Bái.
Sự xuyên tạc thứ hai: Trong các khẩu hiệu được ghi nhận trong ảnh không có bất kỳ một từ ngữ nào nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979.

Nội dung các khẩu hiệu như sau:

Lá cờ: Thiết Đạo Binh (lính làm đường)

Khẩu hiệu lớn: Trung Quốc Tứ Xuyên Thành Đô Tân Tân thiết đạo binh chiến hữu câu lạc bộ phó Việt Nam tảo mộ đoàn (Đoàn tảo mộ đến Việt Nam của CLB chiến hữu thiết đạo binh huyện Tân Tân, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).

Khẩu hiệu nhỏ: Thâm thiết miễn hoài tiên liệt, chiến hữu (Dịch: Tưởng nhớ sâu sắc tiên liệt và chiến hữu).

Như vậy, có thể khẳng định những bức ảnh nói trên là ảnh chụp lưu niệm của một đoàn du khách gồm các cựu công binh Trung Quốc sau khi tảo mộ tại nghĩa trang của lính công binh Trung Quốc chết ở Việt Nam thập niên 1960 – những người được coi là tiền bối của họ. Không có chuyện họ tảo mộ các binh sĩ Trung Quốc chết năm 1979, vì các nấm mộ đó không hề có ở Việt Nam.

Một bia mộ trong nghĩa trang người Trung Quốc cho thấy người nằm dưới mộ mất năm 1967. Ảnh của nhà báo Mai Thanh Hải.

Về mặt văn hóa – xã hội, việc tảo mộ đồng hương là một tập quán bình thường của người Trung Quốc mỗi khi họ đi du lịch ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Việc họ chọn tượng đài thành phố làm nơi chụp ảnh lưu niệm cũng không có gì khó hiểu vì đây là công trình mang tính biểu tượng của địa phương mà họ đã đến.

Về mặt pháp lý, Việt Nam không có lý do ngăn cấm hoạt động này nếu không có bằng chứng về sự vi phạm pháp luật hoặc xâm hại lợi ích quốc gia (không có chứng cớ nào cho thấy hoạt động của các khách du lịch Trung Quốc liên quan tới cuộc chiến năm 1979).

Một điểm khác cần lưu ý, đó là dựa vào bối cảnh bức ảnh, có thể nhóm du khách Trung Quốc đã chọn thời điểm nửa đêm hoặc rạng sáng để chụp ảnh tại tượng đài nhằm tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng địa phương.

Tóm lại, trang mạng RFA đã đưa tin hoàn toàn xuyên tạc và mang tính kích động về các bức ảnh trên. Các thành viên cộng đồng mạng cần tỉnh táo để nhìn nhận sự việc một cách trung thực và khách quan.

Và các bạn đang chế nhạo chính quyền, nhà nước nên xem lại cách đọc hiểu, tiếp cận thông tin của mình.

Theo (T.H)

K.Đ

Tranhoangchinh1911@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.