Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

BÁO TUỔI TRẺ ĐANG BÊNH VỰC ĐỐI TƯỢNG PHẢN ĐỘNG

(Bài báo của Hà Châu)
Ngày 13/07/2018, phóng viên Hà Châu có bài "20/07 xét xử ông William Nguyen", đăng trên báo Tuổi Trẻ. Trong bài này, Hà Châu thuật lại quá trình Will Nguyễn từ Singapore về Việt Nam, để tham gia cuộc biểu tình vào ngày 10/06 vừa qua, và có hành vi kêu gọi bạo động trong cuộc biểu tình, dẫn đến việc bị bắt và khởi tố. Đáng chú ý, trong toàn bộ bài viết, phóng viên Hà Châu liên tục gọi Will Nguyễn là “ông”. Ngoài ra, Hà Châu đã dùng văn phong trung lập, thay vì văn phong phê phán, để tường thuật các diễn biến có tính kích động của vụ việc một cách rất chi tiết. Đọc bài này, một số độc giả đã ca ngợi báo Tuổi Trẻ, vì cho rằng báo này đang áp dụng các tiêu chuẩn báo chí khách quan, độc lập của phương Tây. Trong khi đó, một bộ phận độc giả khác lại phê phán Tuổi Trẻ, vì cho rằng báo này đã không làm tròn nghĩa vụ tuyên truyền chính trị, theo vai trò của một tờ báo chính thống Việt Nam. Một số độc giả thuộc nhóm này còn cho rằng Tuổi Trẻ là kẻ phản bội, lập lờ đi hai hàng; vừa hưởng lộc Nhà nước, vừa hỗ trợ các thành phần đòi lật đổ Nhà nước. Cáo buộc vừa nêu không phải không có lý: trong những năm gần đây, báo Tuổi Trẻ đã nhiều lần đưa tin không đầy đủ, hoặc giật tít theo lối kích động, nhằm khiến độc giả có ác cảm với các chính sách của Nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn, chiều 02/07/2018, khi báo Tuổi Trẻ đưa tin về việc thành phố Hà Nội đề nghị thu phí "chia sẻ dữ liệu dân cư", họ đã không nói rõ Hà Nội muốn chia sẻ những loại dữ liệu cụ thể nào, trong bối cảnh tổng thể của chính sách nào, nhằm mục đích gì, khiến độc giả hiểu lầm và nảy sinh ác cảm với đề nghị của Hà Nội [2]. Và tệ hơn nữa bất cứ độc giả nào có ý định giải thích phát biểu của ông Chung về việc chia sẻ dữ liệu dân cư đều bị admin của Fanpage báo này thẳng tay xóa bỏ, phải mãi đến khi dư luận lên tiếng về hành động ác ý của Tuổi trẻ thì admin trang này mới dừng tay "chém giết" những giải thích "trái chiều" cho dù cách giải thích hết sức nhẹ nhàng, lịch thiệp, thậm chí đăng tải lại ý kiến từ những tờ báo khác. Lạnh lùng hơn, khi thấy không đạt được mục đích bôi nhọ, ném đá Hà Nội, trang Fanpage này ngang nhiên xóa bỏ toàn bộ bình luận của đọc giả. Dĩ nhiên bình luận của đọc giả chỉ có thể vào Fanpage chứ không thể nào vào được báo điện tử của Tuổi trẻ, do mọi bình luận đều bị kiểm soát trước khi đăng.
Quay trở lại bài viết về William Nguyễn, ta nên đánh giá bài viết này của báo Tuổi Trẻ như thế nào? Để cho công bằng, tôi sẽ phân tích bài này dưới góc nhìn của 3 hệ thống báo chí: hệ thống phương Tây mà báo Tuổi Trẻ đang hướng đến, hệ thống Singapore mà “ông William Nguyễn” từng trải nghiệm, và hệ thống Việt Nam mà báo Tuổi Trẻ phải tuân thủ.

1. Dưới góc nhìn của hệ thống phương Tây
Khác với ấn tượng sai lầm của nhiều người Việt Nam, các chuẩn mực của báo chí phương Tây không nằm gọn trong hai chữ “khách quan” và “độc lập”. Các chuẩn mực này được ghi thành những bộ quy tắc chứa hàng chục điều luật khác nhau, mà phóng viên phương Tây phải tuân thủ một cách tự nguyện hoặc bắt buộc, tùy từng trường hợp. Chẳng hạn, một bộ phận phóng viên Mỹ cam kết theo đuổi bộ Quy tắc Đạo đức Truyền thông của tổ chức SPJ [4], trong khi các nước châu Âu thường áp dụng Nghị quyết 1003 về Đạo đức Báo chí của Hội đồng Nghị viện Ủy hội Châu Âu [3]. Nhìn chung, hai văn bản vừa nêu đều đặt ra 4 chuẩn mực cho báo chí, như sau:
_ Phải đưa tin tức chính xác, đầy đủ, công bằng
_ Phải tối thiểu hóa các hậu quả tiêu cực mà tin tức mang lại cho người trong cuộc và xã hội
_ Phải có một mức độ độc lập nhất định
_ Phải làm việc minh bạch, và chịu trách nhiệm về chất lượng tin tức
Nếu đánh giá bài báo về “ông William Nguyễn” bằng các chuẩn mực này, ta sẽ thấy bài có ba hạn chế: đưa tin không công bằng, đưa tin không đầy đủ, và không hạn chế các hậu quả tiêu cực mà tin tức gây ra cho xã hội.
1.1. Đưa tin không công bằng
Hiện nay, Will Nguyễn mới 35 tuổi. Theo nguyên tắc sử dụng đại từ nhân xưng trong tiếng Việt, nên gọi Will Nguyễn là “anh”, thay vì “ông William Nguyễn”. Nếu báo Tuổi Trẻ gọi mọi nhân vật nam trên 18 tuổi là “ông”, thì độc giả sẽ xem bài báo về Will Nguyễn là chuyện bình thường. Nhưng nếu báo Tuổi Trẻ liên tục gọi Will Nguyễn là “ông”, trong khi vẫn gọi các nhân vật cùng tuổi trong các bài báo khác là “anh”, độc giả sẽ có ấn tượng rằng Tuổi Trẻ coi trọng các công dân Hoa Kỳ, hoặc những người tham gia biểu tình, bạo động hơn là những người Việt Nam khác.
1.2. Đưa tin không đầy đủ
Mới đây, bạn Viễn đã bình luận về bài viết trên báo Tuổi Trẻ như sau [12]:
“Báo Tuổi trẻ có diễn giải lại quá trình vi phạm pháp luật của Will Nguyễn. Tuy nhiên qua cách tường thuật của báo Tuổi trẻ, người đọc dường như chỉ thấy hiện ra một Will Nguyễn vô tội, vô tình về Việt Nam để tham gia biểu tình, vô tình gây ra các hành vi gây rối trật tự công cộng để rồi phải đối mặt với án phạt của pháp luật. Cái mấu chốt, quan trọng nhất của vấn đề đó là sự thực Will Nguyễn là ai, tại sao là một người mang quốc tịch Mỹ, đang ở Singapore mà Will Nguyễn lại nhập cảnh Việt Nam để tham gia biểu tình, động cơ, mục đích của anh ta là gì thì báo Tuổi trẻ lại không làm rõ. Điều này khiến cho người đọc khi đọc bài của báo Tuổi trẻ, dường như thấy Will Nguyễn thật đáng thương, chỉ vì vô tình về Việt nam tham gia biểu tình mà phải bắt tạm giam, phải đối mặt với pháp luật”.
Nhận xét này của Viễn khá hợp lý. Theo hệ chuẩn mực báo chí của phương Tây, thì ngoài việc tường thuật chính xác các diễn biến của câu truyện, nhà báo phải cung cấp bối cảnh của câu truyện cho độc giả. Trong trường hợp này, bối cảnh của câu truyện bao gồm mục đích thật của cuộc biểu tình ngày 10/06, và động cơ của “ông William Nguyễn” khi chủ động về nước để tham gia biểu tình. Báo Tuổi Trẻ đã không làm rõ cả hai vấn đề đó.
Vậy ai phát động cuộc biểu tình ngày 10/06/2018, và nhằm mục đích gì? Nếu nhìn lại toàn bộ dòng sự kiện, ta sẽ thấy đây không phải là cuộc biểu tình tự phát của người dân để phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế, như các nhóm biểu tình tuyên bố. Thay vào đó, đây là cuộc biểu tình do các tổ chức chống Cộng phát động, để hình thành phong trào biểu tình kéo dài, nhằm thu thập nhân sự và phương tiện cho “cách mạng đường phố” lật đổ Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, chỉ một ngày sau khi dự luật Đặc khu Kinh tế được đưa ra Quốc hội để thảo luận, các thành viên nhóm Diễn đàn Xã hội Dân sự đã bắt đầu hướng sự chú ý của dư luận vào chi tiết “cho nhà đầu tư nước ngoài đất với thời hạn 99 năm”, nhằm kích động tâm lý bài Trung của dư luận [5]. Khi tâm lý bài Trung đã lên cao, ngày 06/06/2018, nhóm Đô Thành Sài Gòn phát động biểu tình phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế. Đáng chú ý, các thành viên đầu não của nhóm Diễn đàn Xã hội Dân sự - như Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Huệ Chi, Nguyên Ngọc… - có vai trò quan trọng trong việc phát động và duy trì phong trào biểu tình, bạo động kéo dài trong mùa hè năm 2011, 2014 và 2016 [6]. Trong khi đó, Đô thành Sài Gòn là một nhóm chống Cộng cực đoan, chủ trương lật đổ chế độ hiện nay để dựng lại chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ [5].
Ngày 09/06/2018, Quốc hội Việt Nam đã tuyên bố lùi thời gian thông qua dự luật Đặc khu Kinh tế, để chỉnh sửa nội dung dự luật theo ý dư luận. Dù vậy, thành viên và cảm tình viên của các tổ chức trên vẫn biểu tình trong ngày 10/06 và ngày Chủ nhật của tuần kế tiếp. Dù bạo động đã nổ ra ở Bình Thuận, từ ngày 15/06/2018, thành viên và cảm tình viên của Diễn đàn Xã hội Dân sự vẫn lập hai trang Facebook mới, là “Lão Mà Chưa An” và “Nhật ký Biểu tình”, để lãnh đạo phong trào biểu tình kéo dài [7][8]. Qua đó, có thể thấy các tổ chức chống Cộng chỉ mượn việc phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế để nuôi các cuộc biểu tình kéo dài, nhằm phục vụ mục đích chính trị riêng của mình, chứ không hề thật lòng muốn phản đối luật.
Trong khi đó, có hai bằng chứng cho thấy khi “ông William Nguyễn” về nước biểu tình, “ông” cũng nhắm đến mục đích tương tự.
Thứ nhất, chính Will Nguyễn đã thừa nhận rằng khi đi biểu tình, “ông” “chưa tìm hiểu về dự luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh Mạng” [1].
Thứ hai, Will Nguyễn đã có liên hệ với các tổ chức chống Cộng ở hải ngoại từ trước. Cụ thể, Will là tác giả trên trang TheVietnamese, do ba gương mặt chống Cộng là Vi Katerina Tran, Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang quản lý [9]. Qua trang Twitter của Will, có thể thấy Will và Vi Katerina Tran thường xuyên liên lạc và phối hợp với nhau [10]. Qua việc Will nhờ gia đình vô hiệu hóa trang Facebook cá nhân của mình nếu bị bắt, có thể thấy trang này chứa các thông tin mà Will muốn giấu cơ quan điều tra. Ngoài ra, sau khi Will bị bắt, một gương mặt chống Cộng ở TP.HCM là Thuy Binh Nguyen đã đi nộp tiền bảo lãnh cho Will, để Will được tại ngoại [11].
Tóm lại, nếu báo Tuổi Trẻ cung cấp đầy đủ bối cảnh của sự kiện, độc giả sẽ hiểu rằng “ông William Nguyễn” là một thành viên của tổ chức chống Cộng ở hải ngoại, được tổ chức gửi về nước để tham gia biểu tình. Họ cũng sẽ hiểu rằng cuộc biểu tình ngày 10/06 do các tổ chức chống Cộng phát động, nhằm thu thập lực lượng và phương tiện cho mục đích lật đổ chế độ, còn “phản đối dự luật” chỉ là cái cớ. Còn nếu báo Tuổi Trẻ chỉ tường thuật hành vi của William Nguyễn, tuyên bố của các nhóm biểu tình và tuyên bố của cơ quan điều tra, như trong bài viết của Hà Châu, thì độc giả sẽ chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng, và tưởng rằng các hoạt động của Will không gây hại nhiều cho xã hội.
1.3. Không tối thiểu hóa hậu quả tiêu cực mà tin tức gây ra cho xã hội
Cuộc biểu tình ngày 10/06 đã bùng phát thành bạo động ở Bình Thuận, khiến Quốc lộ 1A bị tắc trong 1 ngày rưỡi, 8 xe ô tô bị đốt, 3 cơ quan nhà nước bị phá hủy, và 28 cảnh sát cùng nhiều dân thường bị thương. Ngay sau cuộc bạo động đó, đảng khủng bố Việt Tân đã kêu gọi biểu tình để làm tắc đường, nhằm tạo hỗn loạn trong xã hội Việt Nam. Cả hai diễn biến này đều đe dọa sức khỏe và mạng sống của người dân, đe dọa an ninh, trật tự của xã hội.
(Đảng Việt Tân kêu gọi biểu tình để làm tắc đường, nhằm tạo hỗn loạn trong xã hội Việt Nam)
Trong bối cảnh này, người làm báo phải đưa tin tức một cách rất thận trọng. Cần tránh đưa tin kích động, khiến biểu tình, bạo động tiếp tục diễn ra. Cũng cần tránh khai thác mâu thuẫn, hận thù giữa các vùng miền, các nhóm quan điểm khác nhau. Trong khi đó, bài của báo Tuổi Trẻ dễ khiến độc giả lầm tưởng rằng cuộc biểu tình ngày 10/06 chỉ nhằm phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh Mạng, còn “ông William Nguyễn” chỉ gây mất trật tự và ách tắc giao thông, chứ không đe dọa an ninh chính trị của đất nước. Hiểu lầm này có thể khiến các cuộc biểu tình, bạo động bùng phát trở lại, tiếp tục gây hại cho xã hội.
Như vậy, bài về “ông William Nguyễn” trên báo Tuổi Trẻ không hề tuân thủ các chuẩn mực của báo chí phương Tây, như nhiều người Việt Nam đang nghĩ.

2. Dưới góc nhìn của hệ thống Singapore
Báo chí Singapore phải tuân thủ các chuẩn mực chung của báo chí phương Tây. Ngoài ra, luật pháp Singapore quy định rằng báo chí phải đăng tải đầy đủ các quan điểm chính thức của chính phủ, trước khi khai triển chủ đề theo ý riêng của nhà báo. Nếu luật pháp Việt Nam cũng quy định tương tự, thì chuyện đáng tiếc trên báo Tuổi Trẻ đã không xảy ra.

3. Dưới góc nhìn của hệ thống Việt Nam
Xét theo Khoản 2 Điều 4 của Luật Báo chí 2016, khi đăng bài về “ông William Nguyễn”, báo Tuổi Trẻ có dấu hiệu không làm tròn 2 trong tổng số 6 nhiệm vụ của báo chí Việt Nam, bao gồm:
_ Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân
_ Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (...); góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (...), tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Về mặt câu chữ, bài “ông William Nguyễn” của Tuổi Trẻ không chứa “những hành vi bị nghiêm cấm”, quy định tại Điều 9 của Luật Báo chí 2016. Nhưng nhiều bài khác trên báo Tuổi Trẻ, như bài về việc thành phố Hà Nội thu phí chia sẻ “dữ liệu dân cư”, lại có dấu hiệu vi phạm Khoản 2 Điều 9.
Như vậy, báo Tuổi Trẻ đang không đáp ứng được các chuẩn mực báo chí của cả phương Tây, Singapore lẫn Việt Nam.

4. Kết
Năm 1914, vụ ám sát thái tử Franz Ferdinand của Áo – Hung đã trở thành giọt nước tràn ly, làm nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất, khiến hơn 10 triệu người chết. Năm 1964, sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã thôi thúc dư luận Mỹ ủng hộ quân đội nước này tham chiến, khiến khoảng 5 triệu người chết trong chiến tranh Việt Nam. Năm 2011, vụ tự thiêu của người bán rau Bouazizi đã thôi thúc dư luận ủng hộ một phong trào biểu tình để làm “cách mạng bất bạo động”, kết thúc bằng bạo loạn, chiến tranh, đói nghèo và lệ thuộc ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông.
Qua các câu truyện trên, có thể thấy trong những thời điểm bất ổn, các thế lực chính trị có thể tận dụng một vụ việc nhỏ để thổi bùng những xung đột kéo dài nhiều năm, khiến nhiều người chết. Vì vậy, khi đưa tin chính trị, báo chí không thể không xét đến bối cảnh chính trị tổng thể, và những hậu quả mà bản tin có thể gây ra trong bối cảnh.
Mặt khác, xung đột đến từ động lực, chứ không đến từ phương tiện hay hành vi. Khi người ta đã muốn giành giật, thì “lòng yêu nước”, “nguyên tắc pháp quyền”, “nguyên tắc bất bạo động” hay “nguyên tắc báo chí khách quan” cũng có thể biến thành những viên đạn giết người.
Báo Tuổi Trẻ nên xem xét hai vấn đề trên để chỉnh đốn cách đưa tin của mình.

Chú thích:
[1] "20-7 xét xử ông William Nguyen" - Hà Châu (Tuổi Trẻ), 13/07/2018, 09:44
https://tuoitre.vn/20-7-xet-xu-ong-william-nguyen-20180713093631229.htm
[2] "Điểm tin lề trái số 6 (08/07/2018): Đấu tố trí thức để đánh thức trí thức" - VietVision
http://hoangthinhatle.com/tinhot/diem-tin-le-trai-so-6-08072018-dau-to-tri-thuc-de-danh-thuc-tri-thuc/
[3] Nghị quyết 1003 về Đạo đức Báo chí của Hội đồng Nghị viện Ủy hội Châu Âu
http://assembly.coe.int/nw/xml/XRef/Xref-XML2HTML-en.asp?fileid=16414
[4] Quy tắc Đạo đức Truyền thông của tổ chức SPJ
https://www.spj.org/ethicscode.asp
[5] "Điểm tin lề trái số 2 (10/06/2018): Ai kêu gọi biểu tình?"
http://hoangthinhatle.com/tinhot/diem-tin-le-trai-so-2-10062018-ai-keu-goi-bieu-tinh/
[6] "So sánh phong trào biểu tình phản đối dàn khoan HD-981, phản đối tập đoàn Formosa và phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế" - Blog Lịch sử Xã hội Dân sự Việt Nam
https://lichsuxahoidansuvietnam.wordpress.com/2018/06/21/so-sanh-phong-trao-bieu-tinh-phan-doi-dan-khoan-hd-981-phan-doi-tap-doan-formosa-va-phan-doi-du-luat-dac-khu-kinh-te/
[7] "Điểm tin lề trái số 4 (24/06/2018): Biểu tình, biểu tình nữa, biểu tình mãi"
http://hoangthinhatle.com/tinhot/diem-tin-le-trai-so-4-24062018-bieu-tinh-bieu-tinh-nua-bieu-tinh-mai/
[8] "Điểm tin lề trái số 5 (01/07/2018): Báo chí lề trái định cạnh tranh như thế nào?"
http://hoangthinhatle.com/tinhot/diem-tin-le-trai-so-5-01072018-bao-chi-le-trai-dinh-canh-tranh-nhu-the-nao/
[9] "North / South" - Will Nguyen (The Vietnamese), 30/04/2018
https://www.thevietnamese.org/2018/04/north-south/
[10] Trang Twitter của Will Nguyễn
https://twitter.com/will_nguyen_
[11] "2 anh em đi nộp tiền đòi người cho William để đón bạn ấy ra khỏi đồn CA P13, Q3 đây! Đã đóng xong rồi. Chờ mấy ảnh họp xong trả Pasport và phone cho William nữa là về thôi. Tuy nhiên Vo Chi Dai Duong và Huỳnh Thành Phát lại bị vào đồn CA P13 Q3 tiếp tục! :((" - Thuy Binh Nguyen (FB cá nhân), 11/06/2018, 14:51
https://www.facebook.com/thuybinh.nguyen.1/posts/1713243052097443
[12] "BÁO TUỔI TRẺ VIẾT NHƯ THANH MINH CHO WIIL NGUYỄN?" - Viễn (Danquyen.net), 14/07/2018
http://www.danquyen.net/2018/07/bao-tuoi-tre-viet-nhu-thanh-minh-cho.html


Nguồn: Loa Phường
ngày 15-7-2018