Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

BẢN CHẤT CỦA LỰC LƯỢNG CHỐNG CỘNG TRONG DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN

Trên truyền thông, một số linh mục chống Cộng của tu viện Thái Hà nói riêng và Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam nói chung thường làm như thể họ là những hiệp sĩ thánh chiến, chuyên bảo vệ “công lý và hòa bình”. Trong khi đó, ngày càng có nhiều blog lại cáo buộc rằng số linh mục này là những phần tử phản động chuyên lợi dụng đức tin tôn giáo để chống phá nhà nước. Vậy đâu là sự thật? Để có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề phức tạp này,chúng ta cần nhìn nhận lại lịch sử, nguyên nhân và cách thức chống cộng của một số linh mục Dòng Chúa cứu thế để có đánh giá toàn cảnh và có cách ứng xử phù hợp với họ. Mời các bạn đón đọc phóng sự dài 7 phần của chúng tôi.


Kỳ 1: Những nét chính trong lịch sử Dòng Chúa Cứu thế ở Việt Nam

1. “Tất cả vì người nghèo”
Hồi thế kỷ 18, khi đi tĩnh tâm ở vùng núi Scala, Italy, tu sĩ Alphonsus Liguori đã gặp những nông dân, mục đồng miền núi sống rất nghèo khổ, nhưng lại rất sùng đạo. Vì vậy, ngày 9 tháng 11 năm 1732, tại vương quốc Napoli, ông cùng một nhóm linh mục nhiệt thành lập một dòng tu mới, ban đầu đặt tên là “Dòng Chúa Cứu chuộc”, sau đổi thành “Dòng Chúa Cứu thế” (DCCT). Dòng này đặt mục đích truyền đạo cho những người nghèo khổ, cô thân. Họ chọn câu “Tất cả vì người nghèo” làm phương châm hành động.

Từ đó đến nay, DCCT tập trung truyền đạo cho các tầng lớp ở dưới đáy xã hội, như người nghèo, người ở tù, người bị bỏ rơi, người bị bệnh phong, người nhiễm AIDS… Để việc truyền đạo hiệu quả hơn, DCCT không chỉ dựa vào các tổ chức tu viện đơn thuần, mà còn lập ra nhiều hội đoàn từ thiện và các dạng tổ chức chính trị - xã hội khác. Ba mũi nhọn phát triển hiện tại của họ là ba vựa người nghèo của thế giới: Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Hiện nay, họ có khoảng 6500 tu sĩ ở 77 nước.

Dòng Chúa Cứu thế ở Việt Nam cũng được thành lập theo phương châm và khuynh hướng đó.

Năm 1923, theo yêu cầu của Giám mục Henry Lecroart, Khâm sai Tòa thánh tại Việt Nam, Chủ tịch Thánh bộ Truyền giáo Vatican là Hồng y Van Rossum (vốn thuộc DCCT) đã cho thành lập Dòng Chúa Cứu thế tại Việt Nam. Tỉnh dòng thánh Anna Beaupre (Canada) được giao thực hiện nhiệm vụ thành lập đó. Ngày 30 tháng 11 năm 1925, hai linh mục và một thầy đồng trợ của DCCT ở Canada được gửi đến Đông Dương. Dòng này dần phát triển và lan rộng từ ba trung tâm ban đầu, là ba “đền Đức Mẹ” ở ấp Thái Hà (Hà Nội), ở Huế, và ở Kỳ Đồng (Sài Gòn). Đến năm 1964, DCCT Việt Nam mới trở thành một tỉnh dòng độc lập.

Năm 2016, DCCT được giao cai quản 14 giáo xứ của giáo phận Kon Tum ở Tây Nguyên, Việt Nam. Đây có thể là kết quả của một trong hai, hoặc cả hai lý do chính. Thứ nhất, do thực hiện phương châm chung của DCCT trên toàn thế giới, DCCT Việt Nam đã ưu tiên truyền đạo cho các sắc tộc thiểu số, bao gồm những người Thượng ở vùng Tây Nguyên, trong một thời gian khá dài. Thứ hai, dư luận bắt đầu đặt nghi vấn về việc DCCT đã bị một số chức sắc cực đoan hướng lái, đã hướng đến Tây Nguyên để khai thác kho mâu thuẫn từ đầu thập niên 2000 đến nay, khiến Tây Nguyên đã liên tục là một trong những nơi chứa đựng nhiều mâu thuẫn và bất ổn chính trị nhất trong cả nước. Trong số các biến cố chính trị phát sinh từ Tây Nguyên, phải kể đến các cuộc bạo loạn của hàng vạn người Thượng theo đạo Tin Lành trong năm 2001, 2004, và phong trào phản đối dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên.

2. Đặt trọng tâm vào truyền thông
Một điểm đặc trưng quan trọng, hiện diện trong suốt lịch sử của dòng Chúa Cứu thế Việt Nam, là việc dòng này luôn đặt trọng tâm vào truyền thông, dùng truyền thông để hỗ trợ truyền đạo và xây dựng tầm ảnh hưởng chính trị. Trong lễ ra mắt chi nhánh Houston của Truyền thông Chúa Cứu thế vào năm 2012, phần phát biểu của linh mục Lê Ngọc Thanh, linh mục đặc trách về truyền thông của DCCT TP.HCM, có đoạn (3):

"Từ năm 1935, tức là mới sau 10 năm sau khi thành lập, thì DCCT Việt Nam đã dấn thân vào truyền thông rồi và truyền thông trở thành một cái ‘máu’ của DCCT vì nó là cơ hội giúp cho dân Chúa được nhiều nhất.”

Vào thời điểm hiện tại (đầu năm 2018), “truyền thông Chúa Cứu thế” vẫn đang được xem là một trong những đơn vị truyền thông mạnh, được đào tạo chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất dồi dào và hoạt động bền bỉ nhất trong các phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam. Hằng năm, “truyền thông Chúa Cứu thế” cũng mở các lớp dạy truyền thông, để đào tạo cho nhiều nhóm đối lập cả trong lẫn ngoài đạo Công giáo.

Đế chế truyền thông của DCCT Việt Nam ra đời vào ngày 1 tháng 7 năm 1935, khi dòng này xuất bản một tờ nguyệt san bằng chữ quốc ngữ mang tên “Đức Bà hằng cứu giúp” ở Hà Nội (1). Số báo đầu tiên in 2000 bản, khổ nhỏ, 24 trang, giá bán 1 đồng 1 năm. Đến năm 1940, mỗi số báo được in 5000 bản. Con số này cho thấy đây là một tờ báo lớn và có ảnh hưởng vào thời đó, vì khi đó số người Việt Nam biết chữ không nhiều.

Trong số bốn tôn chỉ được những người sáng lập vạch ra cho tờ báo, tôn chỉ đầu tiên là “rao giảng lời Chúa cho người nghèo khổ bằng ngôn ngữ bình dân”. Đây cũng là tôn chỉ quan trọng nhất, và giúp phân biệt “truyền thông Chúa Cứu thế” với những lực lượng truyền thông Công giáo khác.

Vì khi tờ báo thành lập vào năm 1935, DCCT chưa có linh mục người Việt nào, nên các linh mục người Canada phải phụ trách toàn bộ mảng truyền thông. Linh mục Joseph Laplante là chủ bút kiêm chủ nhiệm đầu tiên, phụ trách cả việc tập hợp bài viết, kiểm duyệt, biên tập, dàn trang lẫn phát hành. Ông Đông Bích, một cây bút của tờ Trung Hòa Nhật báo, phụ trách dịch các bài viết bằng tiếng Pháp của Laplante và các linh mục người Canada khác ra tiếng Việt.

Năm 1944, khi Nhật chiếm đóng Việt Nam, tờ báo bị đình bản sau khi ra số 105. Năm 1949, tờ báo được tái bản, in khổ lớn (khổ A4), dưới tên mới là “Đức Mẹ hằng cứu giúp”. Vào thời điểm này, chủ bút của tờ báo là linh mục Vũ Ngọc Bích. Báo được in từ 1000 đến 2000 bản vào những ngày mới tái bản, rồi lên đến con số 50.000 bản vào cuối thập niên 1950.

Vào năm 1954, khi Việt Nam bị chia đôi do hiệp định Geneva, có khoảng 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam, trong đó có 800.000 người Công giáo. Mọi dòng tu ở miền Bắc đều di tản, chỉ trừ một số đại diện của DCCT ở Thái Hà (Hà Nội). Số ở lại bao gồm hai linh mục người Canada, linh mục Vũ Ngọc Bích, và hai tu sĩ người Việt. Trong số này, hai linh mục người Canada lần lượt bị trục xuất vào các năm 1958 và 1959, cùng những linh mục ngoại quốc cuối cùng ở miền Bắc Việt Nam. Hai tu sĩ người Việt đều bị bắt đi tù vào đầu thập niên 1960, trong đó có một người chết trong tù.

Do biến cố năm 1954, tòa soạn của tờ “Đức Mẹ hằng cứu giúp” được chuyển từ Thái Hà, Hà Nội vào Kỳ Đồng, Sài Gòn. Ngoài các nhà văn Công giáo, ban biên tập mới của tờ báo cũng bao gồm nhiều nhà văn quân đội. Trong thập niên 1960 và 1970, tủ sách Tuổi Hoa và chương trình “Mỗi quân nhân, một Thánh kinh” là hai đều sản phẩm truyền thông của DCCT Kỳ Đồng được đông đảo giới trẻ và quân nhân miền Nam Việt Nam biết đến (3).

Năm 1963, linh mục Chân Tín, một người có quan điểm chính trị trung lập, được bổ nhiệm làm giám đốc tờ “Đức Mẹ hằng cứu giúp”. Vì quan điểm trung lập của ông Tín không được ưa thích bởi những người Công giáo ở miền Nam Việt Nam, nhất là những người di cư từ miền Bắc vào, ông làm cả tờ báo bị độc giả phản đối. Vì vậy, ông phải bàn giao lại tờ báo cho một linh mục khác.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ban truyền thông của DCCT Việt Nam ngừng hoạt động. Đến năm 1998, khi Internet bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, truyền thông Chúa Cứu thế mới bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng ban đầu chỉ giới hạn dưới hình thức email (3). Đến năm 2005, dưới sự thúc đẩy của linh mục Phạm Trung Thành, DCCT Việt Nam mới mở trang chuacuuthe.com. Trang này trở thành nơi đưa tin chính khi DCCT ở Thái Hà đụng độ với chính quyền trong hai vụ tranh chấp đất đai vào năm 2008 và 2011, và trở thành một trang truyền thông quan trọng trong phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam kể từ đó.

Ngoài trang web vừa kể, hiện truyền thông Chúa Cứu thế còn có nhiều trang khác, như Tin Mừng Cho Người Nghèo, ducme.tv và Radio An Phong.

Ngoài những nội dung liên quan đến việc truyền đạo và đòi đất đai của dòng, các hoạt động truyền thông của DCCT Việt Nam từ năm 2005 đến nay thường khai thác mâu thuẫn giữa chính quyền với các gương mặt đối lập ở Việt Nam, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa và các nhóm nông dân bất mãn. Truyền thông Chúa Cứu thế thường mô tả các đối tượng vừa kể như những nhóm người cùng khổ, bị chính quyền áp bức và tước đoạt. Song song với việc bênh vực và ca ngợi các đối tượng này trên mặt báo, DCCT Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp xúc, giao lưu với họ, và cung cấp nhiều lợi ích vật chất cho họ dưới danh nghĩa hoạt động thiện nguyện. Chẳng hạn, từ sau biến cố vào năm 2008 ở nhà thờ Thái Hà đến nay, DCCT ở Hà Nội và TP.HCM đã thường xuyên cung cấp nơi ở cho các nhân vật đối lập đang trốn tránh chính quyền, và cung cấp địa điểm để họ tổ chức những buổi hội thảo bất hợp pháp. Từ khi ra đời vào năm 2013, Văn phòng Công lý & Hòa Bình của DCCT Kỳ Đồng đã thường xuyên “cố vấn pháp lý” miễn phí cho các đoàn nông dân khiếu kiện tập thể, và hỗ trợ truyền thông cho các cuộc biểu tình của họ. Ngày 28 tháng 4 năm 2014, văn phòng này tổ chức một sự kiện mang tên “Ngày tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng hòa”, trong đó họ hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho tổng cộng 435 cựu binh (4). Phương châm “tất cả vì người nghèo” của DCCT đã phát huy tác dụng trong môi trường Việt Nam: từ năm 2011 đến nay, dòng này đã cải một lượng lớn các gương mặt đối lập Việt Nam sang đạo Công giáo.

3. Nhận định: Một dòng tu dân túy có thù với chính quyền
Vì sao ngay từ khi được thành lập vào năm 1932, DCCT đã dùng khẩu hiệu “Tất cả vì người nghèo”, và đã tập trung truyền đạo cho những người nghèo, người bị bỏ rơi, hay những tầng lớp ở dưới đáy xã hội? Khi một tổ chức tôn giáo đưa ra khẩu hiệu và theo đuổi khuynh hướng kể trên, người ta thường đưa ra một trong ba lối giải thích. Một:môi trường giáo dục của tổ chức này khiến họ thật lòng yêu thương người nghèo hơn các tổ chức tôn giáo khác. Hai: họ tin rằng đời sống khổ hạnh, nghèo đói giúp các tu sĩ dễ tiến bộ hơn về mặt tâm linh. Ba: họ tin rằng so với các tầng lớp khác trong xã hội, người nghèo dễ gia nhập tôn giáo hơn, nên truyền đạo cho họ sẽ dễ hơn.

Xem xét các đặc điểm của DCCT trên thế giới và ở Việt Nam, chúng ta thấy lối giải thích thứ ba có vẻ hợp lý nhất. Thứ nhất, vì trước thập niên 1975, truyền thông Chúa Cứu thế yêu quý những đồng đạo no đủ ở miền Nam hơn những người Cộng sản nghèo đói ở miền Bắc, rõ ràng việc yêu thương người nghèo của DCCT không tách rời việc truyền đạo, và DCCT không yêu thương người nghèo ngoài Công giáo một cách thật tâm. Thứ hai, vì DCCT không phải là một dòng tu khổ hạnh, có thể thấy họ không thật sự tin rằng những người sống trong cảnh khổ hạnh, bần hàn sẽ dễ tiến bộ về mặt tâm linh hơn những người khác. Thứ ba, có nhiều bằng chứng cho thấy ngay từ khi tu sĩ Alphonsus Liguori thành lập DCCT, ông đã chủ động nhắm đến người nghèo vì tin rằng họ dễ gia nhập tôn giáo hơn các tầng lớp trên. Chính DCCT cũng thừa nhận việc này, khi kể rằng Alphonsus đã lập dòng sau khi gặp những nông dân, mục đồng miền núi sống nghèo khổ nhưng sùng đạo. Thêm vào đó, cần lưu ý rằng DCCT được thành lập vào thế kỷ 18, khi cuộc cách mạng nghệ thuật thời Phục hưng và cách mạng khoa học – kỹ thuật kế sau đó đã khiến cả châu Âu xét lại quyền lực của giáo hội, và các cuộc cách mạng dân chủ sắp xảy đến, đưa quyền lực thế tục lên ngôi. Vào thời điểm đó, rõ ràng những người dân nghèo, ít học, ít được tiếp cận thông tin ở miền núi sẽ sùng đạo hơn những người dân thành thị thường xuyên tiếp cận với nghệ thuật, khoa học và tin tức.

Ngoài ra, nếu DCCT thật sự quan tâm đến người nghèo, thì họ đã dồn tiền cho các hoạt động thiện nguyện hướng đến người nghèo nói chung, thay vì chỉ hướng đến những nhóm dân nghèo có chung lợi ích chính trị với họ. Nếu DCCT muốn đạt được tiến bộ tâm linh bằng phương thức khổ hạnh, họ đã thường xuyên tịnh khẩu như nhiều dòng tu khổ hạnh trong Công giáo, thay vì xây dựng một đế chế truyền thông. Việc DCCT Việt Nam đặt trọng tâm vào truyền thông và kết hợp truyền thông với từ thiện để lôi kéo các nhóm dân nghèo bất mãn cải đạo sang Công giáo, cho thấy tính dân túy của dòng này. Khẩu hiệu “Tất cả vì người nghèo” của họ thực ra không phục vụ người nghèo, mà phục vụ việc truyền giáo.

Thêm vào đó, qua lịch sử của DCCT ở Thái Hà trong giai đoạn 1954 – 1975, qua việc hoạt động của cả báo “Đức Mẹ hằng cứu giúp” lẫn Văn phòng Công lý & Hòa bình đều gắn chặt với giới quân nhân Việt Nam Cộng hòa và việc linh mục Chân Tín bị buộc phải rời ghế giám đốc tòa soạn của tờ “Đức Mẹ hằng cứu giúp” vì quan điểm chính trị trung lập của ông, có thể thấy DCCT bị thao túng, đẩy vào thế đối lập, hận thù dai dẳng với chính quyền Việt Nam và truyền thông Chúa Cứu thế bị hận thù định hướng. 
Tính dân túy và khuynh hướng thù hận này ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của các nhóm dân nghèo mà DCCT Việt Nam tiếp cận. Sau khi được DCCT giúp đỡ, các gương mặt chính trị đối lập và các nhóm dân nghèo bất mãn thường không có đời sống khá hơn. Thay vào đó, họ ngày càng bị cuốn sâu vào các xung đột với chính quyền, bị cắt kế sinh nhai và tự cô lập mình với phần còn lại của xã hội. Chẳng hạn, các nhóm nông dân khiếu kiện tập thể được DCCT cố vấn về mặt pháp lý thường thua kiện và trở thành các nhóm biểu tình dai dẳng, thay vì đòi lại được đất để trở về canh tác. Những gương mặt đối lập được DCCT cải đạo sang Công giáo thường trở nên cực đoan, ít cởi mở, chậm tiến hơn, và tự cô lập mình trong cộng đồng Công giáo và cộng đồng chống Cộng.
(còn tiếp)

Nguồn: Loa Phường
Ngày 05-02-2018

Chú thích:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.