Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ, NHIỀU CƠ QUAN NHÀ NƯỚC BỎ QUÊN HOẶC KHÔNG THỰC HIỆN



Thông tin từ báo điện tử Thanh niên (Thanhnien.com) cho hay: "Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3/2016 của Bộ TT-TT diễn ra ngày 5.10, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết đã thanh tra 3 cơ quan báo chí, thu hồi 10 thẻ nhà báo. Trong 10 nhà báo có 1 tổng biên tập và 1 phó tổng biên tập bị thu hồi thẻ và cách chức; 4 trường hợp bị thu hồi thẻ và bị buộc thôi việc. Ông Phúc cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, tiếp tục đề xuất xử lý nhân sự các cơ quan báo chí có vi phạm". 
Ngoài nội dung trên, một trong những điểm mới trong hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3/2016 của Bộ TT-TT lần này là thời gian tới với tư cách là Bộ chủ quản làm công tác Quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin & truyền thông sẽ triển khai "định kỳ kiểm tra việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước". 

Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà vấn đề nhân sự các cơ quan báo chí và quy chế quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trở thành 2 vấn đề được chú ý, quan tâm đặc biệt tại Hội nghị vừa qua. Theo đó, nếu như việc sai phạm có hệ thống của một số cơ quan báo chí (nhất là báo chí điện tử) chậm hoặc không được khắc phục đang là một nguyên nhân chính khiến nền  báo chí đương đại đang đánh mất vai trò, vị trí và chức năng quan trọng nhất của mình (chức năng thông tin - định hướng dư luận) thì việc không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời Quy chế quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (được ban hành theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 05 năm 2007) đang vô tình tiếp tay cho đội ngũ làm báo không chân chính hoành hành, làm nhiễu loạn thông tin! 

Điều 1, Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí quy định Phạm vi, đối tượng điều chỉnh nêu rõ: "Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính nhà nước) theo các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành".

Để cụ thể hóa Quy chế trên riêng Bộ công an cũng có Quyết định số 6263/QĐ-BCA của Bộ Công an ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công an cho toàn lực lượng.
Cụ thể hơn, khi xảy ra một sự việc, một vấn đề xảy ra trong nội tại một cơ quan hành chính nhà nước hoặc một vấn đề xã hội nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh, ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến một cơ quan cụ thể lẽ ra bộ phận phát ngôn của cơ quan đó phải nhanh chóng thu thập, xác minh thông tin và nhanh chóng cung cấp cho dư luận, báo giới. 

Vậy nhưng, có vẻ như nhiều cơ quan hành chính nhà nước lại lãng quên mất nhiệm vụ này của mình. Cơ chế phát ngôn không được thực hiện và vô tình các cơ quan này đã trao gửi cái thứ quyền năng vốn dĩ là của mình cho báo giới. Như những con ngựa bất kham và cảm thấy được thoải mái đưa thông tin tùy thích, theo ý mình nên một bộ phận nhà báo, cơ quan báo chí đã lạm dụng, luồn lái dư luận theo ý chí riêng của mình! Và đúng với cái quy luật mà chúng ta vẫn hay thấy các bình luận viên bóng đá nói về những trận cầu thua của những đội bóng được đánh giá mạnh hơn: "tấn công nhiều mà không ghi được bàn thì thường đem đến kết cục thất bại". Không ít cơ quan hành chính nhà nước đã phải tất bật đi giải quyết trước những vấn đề liên quan mà nếu thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì họ sẽ không gặp phải! 

Sự việc liên quan vụ thanh tra dự án Núi Pháo (Thái Nguyên), sự việc liên quan đến vấn đề sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ngay gần đây nhất là vụ việc liên quan cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang... là những ví dụ cho thấy rất rõ việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. 

Và Mõ làng cũng thẳng thắn xin chỉ rằng, chính việc hạn chế hoặc không thực hiện Quy chế này vô tình đã làm cho hình ảnh các cơ quan nhà nước trở nên xấu đi (dù bản chất không phải thể) trong mắt dư luận! Thiết nghĩ, để lấy lại những giá trị đã có thì không còn cách nào khác các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện tốt quy chế này. Đó cũng là các cơ quan này giúp cho các cơ quan báo chí làm tốt hơn chức năng, phận sự của mình! 

Nguồn: Mõ Làng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.