Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

TRÌNH ĐỘ NHẬN THỨC CỦA ÔNG PHÓ TỔNG BIÊN TẬP VÀ TRÌNH ĐỘ NHẬN THỨC CỦA CHỊ BÁN HÀNG RONG.

(Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)
1- Sơ lược về diễn biến các vụ việc.
Trong 10 ngày qua, hệ thống báo chí điện tử và mạng thông tin điện tử trong nước như đang như một nồi nước được đặt lên một bếp lò mà kẻ châm lửa vẫn còn lẩn khuất trong bóng tối. Đó là vụ việc “cộng tác viên” báo Tuổi Trẻ Trần Quang Thế bị tống cổ ra khỏi hiện trường một vụ chết người nghi án mạng xảy ra ngày 23-9-2016 trên cầu Nhật Tân và vụ chị bán hàng rong Nguyễn Thị Thu Thảo có sai phạm khi xâm lấn vỉa hè, lòng đường, bị thiếu úy Bùi Xuân Hải công tác tại Công an phường 6, quận 3 nắm tóc, kéo lê xảy ra ngày 30-9-2016. Cả hai vụ việc đều diễn ra tại hai đô thị vào loại đặc biệt quan trọng của đất nước và đều do những kẻ còn ở trong bóng tối chủ ý quay clip ghi hình và tung lên mạng.
Về phía cơ quan Công an, tại vụ việc thứ nhất, Công an Hà Nội đã căn cứ kết quả xác minh tố giác tội phạm, Cơ quan Điều tra có đủ căn cứ xác định Trần Quang Thế không bị thương tích. Ngay sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Cơ quan Điều tra đã tiến hành kiểm tra dấu vết thân thể, cùng căn cứ kết quả khám thương của bệnh viện Việt Đức, để đưa ra kết luận nêu trên. Cơ quan Điều tra cũng đã đề nghị trưng cầu giám định để đánh giá ảnh hưởng thương tích, sức khỏe đối với Trần Quang Thế, nhưng anh ta đã từ chối. Trần Quang Thế cũng không có yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với người gây xô xát. Vì vậy, căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự, Cơ quan Điều tra xác định không hội đủ các yếu tố, chứng cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khiển trách Cảnh sát viên Ngô Quang Hưng (mặc thường phục) về hành vi ứng xử không đúng đối với Trần Quang Thế theo quy định tại Quy tắc ứng xử của sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân viên chức trong Công an nhân dân, ban hành theo Quyết định số 893/2008/QĐ-BCA ngày 4-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Công an và Thông tư số 16/TT-BCA ngày 8-4-2016 của Bộ Công an là thỏa đáng.
Còn ở vụ việc thứ hai, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ công tác đối với thiếu úy Bùi Xuân Hải, yêu cầu làm kiểm điểm tường trình để xử lý kỷ luật. Tại vụ việc thứ nhất, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã nêu quan điểm xử lý thích đáng, đúng người, đúng lỗi vi phạm. Còn ở vụ việc thứ hai, lãnh đạo Công an thành phố Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Sai tới đâu, xử lý tới đó”. Tất cả đều mình bạch và rõ ràng, không có chuyện bao che, bưng bít. Thế nhưng, về phía bên kia thì sao ?

2- Nhận thức của ông Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.
Cùng với việc xử lý Cảnh sát viên Ngô Quang Hưng được lãnh đạo Công an Hà Nội quyết định, Công an quận Tây Hồ cũng tống đạt quyết định xử phạt hành chính đối với Trần Quang Thế bao gồm 6 lỗi vi phạm:
- Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng.
- Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng.
- Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng.
- Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng.
- Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng.
- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.
Tổng cộng số tiền phạt là 14.405.000 đồng.
Lỗi đầu tiên của Trần Quang Thế đã rất rõ ràng khi căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự việc bảo vệ hiện trường các vụ án phải được thực hiện một cách rất nghiêm ngặt, toàn bộ hiện trường vụ án, nơi trực tiếp xảy ra vụ án cũng như các khu vực xung quanh, có dấu hiệu hoặc khả nghi có dấu vết của nghi phạm trong vụ án. Điều 14, Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28-3-2002 của Chính phủ quy định, “người không có phận sự không được phép tiếp cận khu vực, địa điểm cấm và nơi cất giữ bí mật Nhà nước”. Do vậy, việc phong tỏa hiện trường trong một phạm vi rộng là điều rất cần thiết trong hoạt động điều tra để không bỏ lọt bất kỳ dấu vết nào của tội phạm. Người xâm phạm hiện trường nếu không được phép tức là đã gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, ảnh hưởng đến việc xác định dấu vết của tội phạm. Tùy theo mức độ vi phạm của người đó mà có thể bị xử phạt hành chính. Nếu có dấu hiệu về việc xóa dấu vết tội phạm hay có hành vi tạo hiện trường giả để gây khó khăn hoặc đánh lạc hướng điều tra thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lỗi thứ hai cũng rõ ràng khi căn cứ Pháp lệnh về bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều 2, Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg ngày 12-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về danh mục bí mật Nhà nước, thì “Hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng CAND là bí mật thuộc độ Tối mật”. Hoạt động bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường chính là hoạt động nghiệp vụ, thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Do đó, khu vực hiện trường vụ án thuộc diện mục tiêu được bảo mật cấp độ 2 (cấp “TỐI MẬT”). Tất cả các lỗi và biện pháp xử phạt có trong quy định tại Luật số 15/2012/QH13 ngày 20-6-2012 về xử phạt vi phạm hành chính; tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ban hành ngày 26-5-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (điểm d, khoản 4, Điều 6 và điểm c, Khoản 1, Điều 6); tại Nghị định Số 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình (điểm đ, khoản 1, Điều 18; điểm e, khoản 1, điều 18 và điểm b khoản 2, Điều 6); Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (điểm b, khoản 2 Điều 6) và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ hẳn không thể không biết những điều này. Thế nhưng, ông vẫn cứ lớn tiếng yêu cầu cơ quan Công an “cân nhắc lại tình tiết Nhà báo tác nghiệp thì quy vào cái lỗi cản trở hoạt động, trong khi đó, công an ngăn cản hoạt động báo chí chỉ bị khiển trách” (Nguyên văn ông Trung nói như vậy. Nhưng phóng viên Tiến Anh trên báo INFONET giật tít là “Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ: Công an Hà Nội phải xem xét lại quyết định xử phạt PV". Láo thế !).
Ông Trung lập luận rằng “Anh Quang Thế chỉ để xe ở trên cầu và thực tế thì anh Quang Thế chưa xâm nhập vào hiện trường”. Vậy ông Trung có thể trình ra đây toàn bộ clip quay vụ việc mà tay phóng viên Phan Huy Trung đã cố tình ghi hình lại và tung lên mạng không ? Ông có dám đối chất với một người có tên là Đăng Tuấn,. Anh ta chỉ là một công nhân bình thường nhưng đã dám đứng ra làm chứng việc Trần Quang Thế đã bất chấp cảnh báo của Công an, xăm xăm tiến vào hiện trường, tự tiện mở cửa xe taxi để chụp ảnh. Và không chỉ anh Đăng Tuấn, nhiều nhân chứng khác có mặt ngoài phạm vi hiện trường trên cầu khi đó đã làm chứng trước cơ quan Công an rằng Trần Quang Thế đã xâm phạm hiện trường. Ngoài ra, chính cái clip mà tay chân của ông Trung tung lên mạng cũng lại chính là bằng chứng tố cáo Trần Quang Thế đã xâm phạm hiện trường vụ án.
Cuối cùng, trong biên bản làm việc với lãnh đạo và Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hà Nội, Trần Quang Thế đã đồng ý với các kết luận đã nêu ra và thừa nhận các lỗi này. Ảnh chụp bản gốc văn bản này được công bố công khai trên báo An ninh Thủ Đô nhưng không được một báo nào đăng lại. Còn ông Lê Xuân Trung thì có lẽ vì ông ghét Công an nên không thèm đọc báo Công an và chẳng hề biết rằng cấp dưới của ông, kẻ đang được ông ra sức bao che, bênh vực đã “vả” cho ông một cú trời giáng rụng răng. (Xem biên bản làm việc trên ảnh). Mà thiết nghĩ Trần Quang Thế “vả” cho ông Trung một cú như vậy cũng đúng thôi. Vì trình độ nhận thức của ông thua xa trình độ nhận thức của một chị bán hàng rong trong một vụ tương tự ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3- Chị bán hàng rong: “Tôi cũng có phần sai, mong Công an giải quyết thỏa đáng”
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo sinh năm 1977, một bà mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ và ba, mẹ già. Vì chị gầy guộc nên có biệt danh “Thảo xì ke” chứ không phải vì nghiện ma túy như một số người hiểu lầm. Cũng vì bán hàng rong nên tối 30-9-2016 chị đã bán hàng dưới lòng đường tại khu vực Hồ Con Rùa, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Lúc gần 20 giờ, Công an phường đến xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường, trong số người làm nhiệm vụ có thiếu úy Bùi Xuân Hải.
Bị thiếu úy Hải đuổi kịp, chị Thảo đã phản ứng lại. Chị nói: “Tôi bán hàng lương thiện chứ có bán hàng cấm đâu mà các anh đuổi”. Chị Thảo thừa nhận đã có chửi thiếu úy Hải mấy câu. Không kiềm chế được, Thiếu úy Bùi Xuân Hải đã lôi chị này lên xe. Theo lời chị Thảo: “Thiếu úy Hải đã túm cổ áo tôi và định kéo tôi đưa lên xe công vụ. Tôi bị chảy máu đầu là do chiếc nhẫn của anh Hải gây ra trong lúc kéo lê tôi”. Cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Hồ Chí Minh chỉ nghe theo báo chí chứ chưa xác minh đã đăng tin chị Thảo bị va đập với biển số xe máy khi bị kéo lê. Sau khi “nhét chữ vào mồm” Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố Hồ Chí Minh, mấy đám báo chí kền kền lập tức túm lấy và còn đặt điều nói rằng vết thương chảy máu trên đầu chị Thảo còn cho do chị bị va đập vào biển số ô tô khi thiếu úy Hải kéo chị lên thùng xe. Thậm chí, có báo còn tung tin thiếu úy Hải đã túm tóc đánh vào đầu chị Thảo. Thật hết biết với bọn kền kền báo chí chuyên ăn cả xác chết lẫn xác sống.
Tại bệnh viên, sau khi được chữa trị, chị Thảo thừa nhận: “Có thể vì anh Hải bị tôi chửi nên đã hành xử vậy. Tôi cũng có phần sai, tôi chỉ mong Công an giải quyết thỏa đáng. Bước đầu, thiếu úy Hải đã xin lỗi tôi và nói sẽ lo toàn bộ chi phí thuốc thang cho tôi”. Còn Công an thành phố Hồ Chí Minh thì hành xử đúng phép tắc, quân lệnh như sơn. Ngay sau khi nhận được báo cáo về vụ việc, lãnh đạo Công an thành phố đã quyết định tạm đình chỉ công tác với thiếu úy Bùi Xuân Hải để kiểm điểm, đồng thời chỉ đạo Công an Quận 3 khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ toàn bộ sự việc, trên cơ sở đó phục vụ xử lý theo tinh thần vi phạm tới đâu xử lý tới đó.
Hai sự việc, cùng một hiện tượng cán bộ, chiến sĩ Công an sử dụng biện pháp mạnh và có hành vi ứng xử sai với quy định của lực lượng Công an nhân dân. Nhưng những đương sự lại có những cách xử sự thật khác nhau một trời một vực. Sau khi nhận tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đương sự Trần Quang Thế đã lập tức lật lọng toàn bộ buổi làm việc với lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, phủ nhận các lỗi, chỉ nhận một lỗi nhẹ nhất. Hành vi này chắc chắn có sự bênh vực của lãnh đạo báo “Tuổi trẻ” và sự bao che của ai đó “to” hơn. Bằng chứng về sự che chắn là ông Lê Xuân Trung đã lập tức đăng đàn và phát ngôn như một người chỉ biết đến Luật Báo chí, ngoài ra, không thèm biết đến các luật khác. Còn chị bán hàng rong nghèo túng thì dù phải vào bệnh viện để khám và trị thương cũng còn biết nhận rằng mình có một phần lỗi đồng thời xác nhận việc thiếu úy Bùi Xuân Hải đã đến thăm hỏi và chịu trách nhiệm thuốc men, chữa trị.

4- Thấy gì về báo chí hiện nay qua hai vụ việc trên ?
Thôi thì khoan hẵng nói đến việc các chiến sĩ Công an chịu nhiều áp lực khi thi hành công vụ. Cái đó không thể biện minh cho những hành vi ứng xử quá đà dẫn đến sai lầm của các anh Công an đâu. Chỉ cần so sánh về cách ứng xử của một chị bán hàng rong có trình độ học vấn không cao với những kẻ đang tự vỗ ngực xưng là Phó tổng biên tập nọ, cử nhân báo chí là cộng tác viên tự xưng là nhà báo kia, thậm chí còn ngạo mạn cho rằng mình là “quyền lực thứ tư” thì đủ biết đất nước này sẽ đi đến đâu nếu để cho cái “quyền lực thứ tư” ấy lộng hành. Tuy nhiên, đằng sau hai vụ việc này là cả một chuyên không nhỏ.
Thống kê của cơ quan chức năng theo dõi báo chí thì tin tức trên báo chí trong nước từ 10 năm nay cho thấy - trừ một số báo như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và các báo của quân đội, Công An Nhân Dân và các báo của Công an, một số báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Tổ Quốc, Tòa án, Viện Kiểm sát -; các báo khác đều có mức độ đưa thông tin hoàn toàn sai lệch đến độc giả từ khoảng 5% đến 10%; thậm chí có báo lên đến trên 15%. Còn việc dùng ngôn từ không phù hợp dẫn đến bóp méo thông tin, là người độc hiểu sai thông tin, “nhét chữ vào miệng người khác” thì lên đến con số trên 50%. Thông tin quốc tế của các báo này phần lớn lấy từ các nguồn báo chí tiếng Anh. Còn thông tin trong nước thì có đến 70% là lấy từ các cộng tác viên, những người may lắm chỉ được bồi dưỡng vài ba bài học về báo chí và không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều bài báo lấy tin tức từ các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, Twetter, Google Plus, Youtube và một số trang mạng khác. Phần lớn những thông tin kiểu này không được kiểm chứng, xác minh nhưng không một báo nào đăng lời cải chính khi bị phát hiện đăng thông tin sai lệch.
Mấy năm nay, người dân Việt Nam đã được biết đến một sản phẩm “ưu việt” của nền “dân chủ giả hiệu” của Mỹ và phương Tây trên lĩnh vực truyền thông. Đó là Ô NHIỄM THÔNG TIN. Hậu quả của sự ô nhiễm thông tin này cũng rất kinh khủng, để lại tác hại đặc biệt nghiêm trọng và lâu dài không kém gì ô nhiễm môi trường. Tình hình nhiễu loạn thông tin, thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, thậm chí làm giả đã trở thành thảm họa không chỉ đối với những mục tiêu đầu tiên của các kền kền báo chí là các giới showbitz như cách đây mấy năm mà đã lan sang nhiều địa hạt khác. Một số chiến dịch thông tin đã được các thế lực phản động trong và ngoài nướctriển khai chĩa mũi nhọn công kích vào Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các cơ quan công quyền thông qua chiêu bài lợi dụng tự do dân chủ, lợi dụng chủ trương chống tham nhũng, lợi dụng cả những vấn đề thiêng liêng như bảo vệ Tổ Quốc và tri ân người có công với cách mạng để chống phá đất nước và chế độ, gây rối loạn trật tự xã hội.
Nguyên nhân hàng đầu gây Ô NHIỄM THÔNG TIN là BÁO CHÍ BẨN. Bản thân báo chí bẩn cũng là một công cụ để tham nhũng và thao túng. THAM NHŨNG THÔNG TIN là cách gọi lịch sự của việc câu like lấy tiền. THAO TÚNG THÔNG TIN là cách gọi lịch sự của sự lừa dối, bịp bợm nhằm mang lại lợi ích cho những thế lực phản động và cơ hội chính trị. Không khó để nhận diện những thế lực đó, kể cả những con chuột bọ còn đang giấu mặt trong những ngóc ngách nhân danh tổ chức phi chính phủ nọ, tổ chức phi lợi nhuận kia, ngấm ngầm hay công khai ăn tiền của ngoại bang để phá hoại đất nước. Trong tình hình hiện này, nếu không làm trong sạch báo chí thì không thể tiến hành chống tham nhũng một cách có hiệu quả,. Không chống tham nhũng có hiệu quả thì không thể có một trường thông tin lành mạnh để yên lòng dân, tạo niềm tin nơi nhân dân, để không thể bảo đảm sự ổn định của môi trường xã hội cho kinh tế phát triển.
Cần luôn luôn nhớ điều này: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết là HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG BỊ NƯỚC NGOÀI VÀ NHỮNG THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG THAO TÚNG.

Link 1: http://infonet.vn/nguoi-ban-hang-rong-toi-cung-co-phan-sai-… “Người bán hàng rong: “Tôi cũng có phần sai, mong Công an giải quyết thỏa đáng"
Link 2: http://anninhthudo.vn/…/lam-ro-nhung-can-cu-pha…/702964.antd “Làm rõ những căn cứ pháp lý trong vụ việc liên quan đến phóng viên và chiến sỹ Công an trên cầu Nhật Tân”.

Nguồn: FB Tâm Minh Nguyễn
Ngày 01/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.