Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

NGHỊ SĨ HOÀNG HỮU PHƯỚC NÓI VỀ ĐỐI LẬP

(ĐBQH Hoàng Hữu Phước)
Ông Hoàng Hữu Phước là người đầu tiên giải thích rõ ràng nhất, đầy đủ nhất, chuyên nghiệp nhất, hàn lâm nhất, và hùng biện nhất về các nội dung quan trọng khiến chấm dứt ngay các tỉ tê lê thê nhóp nhép lải nhải của kẻ thù của chế độ Cộng sản trên không gian mạng, như về Đa Đảng, Tự Do – Dân Chủ, Tuyệt Thực, Khủng Hoảng Kinh Tế, Tết Mậu Thân, hoặc Biểu Tình [1],  v.v., tôi nay xin nói về Đối Lập vốn cũng là một nội dung mà đám kẻ thù của chế độ Cộng Sản vẫn mông muội nói xằng nói bậy ví von như hình thái “dân chủ” do mặc định sai lầm rằng người dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không hiểu biết gì sất về Đối Lập. Bài viết này có 3 nội dung sau:

A) Hình thái ngữ nghĩa của “đối lập” về chính trị

B) Điều kiện tiên quyết của “đối lập” về chính trị trên toàn thế giới

C) “Đối lập” tại Việt Nam

A) Hình thái ngữ nghĩa của “đối lập” về chính trị

Về ngôn từ sử dụng trong từ điển Anh-Việt và Việt-Anh, “đối lập” là “opposition”

Về ngôn từ sử dụng trong thực tế đời sống chính trị, “đối lập” không có nghĩa là “opposition” và hoàn toàn không có nghĩa là “đảng đối lập”.

Tại Mỹ, từ “opposition” không còn được sử dụng khi nói về đảng chính trị. Kể từ Thế kỷ XIX, hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trở thành đế chế thống nhất sẻ chia quyền lực và Đảng này không là “đảng đối lập” của Đảng kia, và trên thực tế không có sự khác biệt gì lớn giữa hai Đảng này. Những danh xưng như Đảng Thứ Ba, Đảng Khác, hay các tên gọi khác đều không còn được sử dụng trên thực tế. Thuật ngữ “phe đa số” và “phe thiểu số” được sử dụng tại Hoa Kỳ, chứ thể chế của chế độ Hoa Kỳ không có chỗ cho sự đối lập. Có hai điều khẳng định: (1) toàn bộ hai Đảng đều tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp Hoa Kỳ và tuyệt đối bảo vệ chế độ chính trị của Hoa Kỳ; và (2) bất kỳ ai tiến hành bất kỳ hành động nào nhằm lật đổ chế độ hiến định của Hoa Kỳ – chẳng hạn như lật đổ chế độ hiện nay để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ cộng sản, chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ quân chủ lập hiến, v.v. – đều dứt khoát sẽ bị các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tiêu diệt trong biển máu.

Tại New Zealand, từ “Opposition” được dùng để chỉ các đảng phái chính trị khác với đảng đang cầm quyền, nghĩa là nhiệm kỳ sau nếu đảng đang cầm quyền thất thế không thể thành lập chính phủ thì đương nhiên có tên làm thành viên của phe  “Opposition”, nghĩa là không ai “đối lập” ai, mà chỉ đơn giản “anh là anh, tôi là tôi, anh ấy là anh ấy”, và nghĩa là “nếu anh là A, thì tôi và anh ấy là Khác A”. Sự có mặt của “opposition” chẳng khác gì bộ phận KCS (kiểm tra chất lượng) của một công ty sản xuất hàng hóa, nghĩa là để xét duyệt các chính sách của Đảng cầm quyền nhằm bảo đảm luật pháp phải tốt hơn, thích hợp hơn, phát huy tác dụng tích cực hơn – nghĩa là nếu sản phẩm nào đã chuẩn thì khỏi phải bị thải loại hoặc sửa chữa. Do đó, tại các phiên họp Quốc Hội, khi phải biểu quyết một vấn đề nào đó, có hình thức các nghị sĩ tự chọn bước ra ngoài theo cảnh cửa bên phải có treo bảng khổ 33x21cm màu trắng chữ xanh lá cây “AYES” để tỏ sự ủng hộ, hoặc cửa bên trái có bảng “NOES” để bày tỏ sự không ủng hộ, rồi các quan chức Quốc Hội sẽ đếm số lượng nghị sĩ của mỗi hành lang để lập biên bản báo lại cho Chủ Tịch, người sau đó sẽ triệu tập các nghị sĩ trở vào nghe kết quả sĩ số. Điều này càng cho thấy hoàn toàn không có “đảng đối lập” chuyên chống nhau để làm đảng cầm quyền thất bại trong các sách lược, mất điểm trước nhân dân, để đảng khác chiếm điểm vào kỳ bầu cử tiếp theo. Tất cả cùng tự quyết định ra cửa bên nào, nên không có việc dự án luật nào đó do nghị sĩ đảng cầm quyền trình thì cứ tự động xem như toàn bộ các nghị sĩ của đảng ấy đồng thuận thông qua vì họ chiếm đa số. Như vậy, có hai điều khẳng định: (1) toàn bộ các Đảng chính trị New Zealand đều tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp New Zealand và tuyệt đối bảo vệ chế độ chính trị của New Zealand; và (2) bất kỳ ai tiến hành bất kỳ hành động nào nhằm lật đổ chế độ hiến định của New Zealand  – chẳng hạn như lật đổ chế độ hiện nay để xây dựng chế độ cộng hòa, chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ cộng sản, chế độ quân chủ chuyên chế, v.v. – đều dứt khoát sẽ bị các lực lượng vũ trang New Zealand tiêu diệt trong biển máu.

Tại Việt Nam Cộng Hòa, vốn là một quốc gia vô-đảng (vì không có bất kỳ đảng phái chính trị nào cầm quyền), có tồn tại các “dân biểu đối lập” nghĩa là các dân biểu tuyệt đối trung thành với nền Đệ Nhị Cộng Hòa và Hiến Pháp 1967. Các dân biểu này “đối lập” với vài điểm trong vài dự án luật của Quốc Hội, hoặc có ý kiến khác đối với các chính sách đối nội của Chính Phủ. Các dân biểu Việt Nam Cộng Hòa phải Chống Cộng vì trung thành với thể chế chính trị Cộng Hòa. Các dân biểu Việt Nam Cộng Hòa phải Chống Thiệu để được danh “đối lập”. Các dân biểu Việt Nam Cộng Hòa phải Chống Mỹ vì đã Chống Thiệu để được danh “đối lập”. Và bất kỳ ai muốn lạm danh “đối lập” để lái theo hướng Cộng Sản đều dứt khoát sẽ bị các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa tiêu diệt trong biển máu.

Tác giả Michael Peck trong bài viết ngày 15-11-2012 trên tạp chí Forbes với tựa đề Quân Đội Mỹ Sẽ Bóp Nát Cuộc Nổi Loạn Của Đảng Trà Như Thế Nào đã vạch ra cuộc diễn tập quân đội được trang bị tận răng với vũ khí hủy diệt cùng lực lượng cảnh sát trang bị vũ khí hạng nặng sẽ ứng phó ra sao nếu tình huống là có cuộc nổi dậy tại Darlington, bang Nam Carolina, đòi lật đổ chế độ Hoa Kỳ để thành lập một Nhà Nước theo thể chế chính trị khác. “Đảng Trà” là tên gọi đồng nghĩa với những đảng-chính-trị-không-là-đảng-cầm-quyền vốn còn gọi là Đảng Thứ Ba hoặc Đảng Khác, mà nhiều người biết tiếng Việt sính gọi là “đối lập”, mà nội hàm rất rõ ràng là: ngoài hai Đảng cầm quyền Cộng Hòa và Dân Chủ của các đại gia tư bản, bất kỳ “đảng chính trị” nào khác không được tham chính và đương nhiên trở thành kẻ thù mà chế độ phải tiêu diệt nếu dám manh nha cho một cuộc lật đổ chế độ của Hoa Kỳ.

Sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc chính là sự thể hiện cực kỳ thống nhất, cực kỳ tiêu biểu, cực kỳ tương tự, và cực kỳ chính xác theo chuẩn mực trị quốc của tất cả các quốc gia tiên tiến có luật pháp phân minh mà Mỹ là điển hình.

 B) Điều kiện tiên quyết của “đối lập” về chính trị trên toàn thế giới

Dứt khoát “đối lập” về chính trị không bao giờ liên quan đến “lật đổ” chế độ và xóa bỏ hiến pháp của một quốc gia.

Đối Lập về chính trị luôn chỉ có nghĩa là sự nêu lên ý kiến khác biệt đối với một vấn đề nhỏ và cụ thể liên quan đến sự phát triển quốc gia, trên cơ sở thống nhất tuyệt đối tôn trọng Hiến Pháp và tuyệt đối bảo vệ thể chế chính trị cùng chế độ của quốc gia.

Mọi hành vi chống lại Hiến Pháp, chống lại chế độ, chống lại thể chế chính trị quốc gia là hành vi phản loạn – không phải “đối lập” – và do đó vi phạm luật pháp cụ thể của quốc gia, phải bị trừng trị cụ thể theo quy định của luật pháp quốc gia, và trong trường hợp gây ra bạo loạn phải bị tiêu diệt bởi các lực lượng vũ trang của quốc gia.

C) “Đối lập” tại Việt Nam

Tương tự như các quốc gia cường thịnh, văn minh, hiện đại, Việt Nam xem “đối lập” mang thuần ý nghĩa của những ý kiến khác với ý kiến chung hoặc ý kiến riêng của người khác mà mục đích của những ý kiến “khác” này là nhằm làm rõ hơn nội hàm cụ thể nào đó của một nội dung nào đó cụ thể, đi vào chi tiết, thuộc một dự án luật hay một vấn đề chính thức được Quốc Hội hay Chính Phủ nêu lên hay dự định ban hành; và do đó “đối lập” tự thân mang tính phản biện, tự do ngôn luận, tự do biểu tình (bày tỏ tình ý), và giám sát.

Việt Nam xem trọng “đối lập” nên tổ chức vô số các điểm tiếp dân của Đảng và Chính Quyền, từ trung ương đến địa phương, từ cấp Bộ đến cấp xã [2] để ngoài việc xử lý các khiếu nại, tố cáo, còn tiếp nhận các kiến nghị mang tầm nhìn khác của người dân đối với các chủ trương chính sách của quốc gia.

Việt Nam không xem trọng hình thức, vì vậy sau khi Cách Mạng thành công đã chấp nhận cho những đảng phái chính trị khác giải thể để hòa nhập vào Đảng Cộng Sản Việt Nam do tất cả những đảng này đều theo đường lối cộng sản chủ nghĩa và đều tôn trọng tư thế hiến định “đảng cầm quyền” của Đảng Cộng Sản Việt Nam, và cùng bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời lập ra những cơ chế giám sát để thực hiện phản biện tích cực, tức hình thái duy nhất đúng của “đối lập”. Ngược lại, Hoa Kỳ quan tâm đến hình thức nên có hai đảng cầm quyền mà thế giới đều biết cả hai giống y hệt nhau, cùng bảo vệ thể chế chính trị và chế độ cộng hòa.

“Đối lập” luôn tồn tại một cách tích cực ở Việt Nam trên nền best practical practice thực thi thực tế tốt nhất của thế giới Âu Mỹ. Mọi cuộc kêu gào đòi hủy điều này của luật nọ hoặc điều đó của Hiến Pháp Việt Nam đều là sự xuẩn ngốc, điên rồ, láo xược  mà không một chính khách nào trên thế giới dám tự nhận mình ngu dốt tương tự để lên tiếng ủng hộ.

Hiến Pháp Mỹ và thể chế chính trị Mỹ luôn được Mỹ tuyệt đối xem trọng và bảo vệ

Hiến Pháp Việt Nam và thể chế chính trị Việt Nam luôn được Việt Nam tuyệt đối xem trọng và bảo vệ.

Bảo vệ Hiến Pháp đồng nghĩa với bảo vệ nhân dân.

Bảo vệ thể chế chính trị quốc gia và chế độ quốc gia là bảo vệ nhân dân.

Đó luôn là chân lý duy nhất trong cộng đồng các chính khách toàn cầu.

Và tôi, Hoàng Hữu Phước, là “Nghị sĩ đối lập” của Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016) nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đơn giản vì tôi không phải Đảng Viên Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền, tôi tuyệt đối bảo vệ Hiến Pháp Việt Nam,và tôi tuyệt đối bảo vệ thể chế chính trị và chế độ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tức tất cả những yêu cầu cần và đủ để trở thành một “nghị sĩ đối lập” theo đúng tinh thần của đối lập trong sinh hoạt chính trường toàn thế giới.


Nguồn: Hoàng Hữu Phước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.