![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhRw0kGSMMwTpHQxCJX6iXdWN2MgZOlHB30EK-j0sP_MFbkfFp-B2znAO9MPSG_DVI_Knot_6D8aQGtyFvu4L-pziBdbZ9TZgcBsDMcA4WlazIgWA_wNRoToDS6_C9r9IfZ-g7eJExLoh0/s640/Bao+VNQD.jpg) |
(Báo Văn nghệ TPHCM lại "đánh" Dương Trung Quốc nói bậy về sử) |
Thể chế Việt Nam có chuyện đáng lo ngại và hơi buồn cười là bỏ
nhiều công sức đào tạo, ưu ái, trọng dụng rồi vinh danh những kẻ thực chất là
tầm thường chỉ tài diễn. Nguy hiểm ở chỗ những kẻ đó lại thường là những kẻ
tham vọng và cơ hội, khi tham vọng chưa thoả và có cơ hội dù ngược với lý
tưởng, lương tri và đạo lý mà họ từng theo, họ vẫn sẵn sàng làm theo, sẵn sàng
“đón gió, trở cờ”, phản dân hại nước. Những kẻ này thường có khả năng thu hút
được đám đông chính vì thế là những mầm mống tạo nguy cơ của hỗn
loạn và sụp đổ. Đó là những Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Huệ Chi, Quang A, Trần Mạnh
Hảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, v.v… và giới sử học có
Phan Huy Lê và một nhân vật là đại biểu QH mà nói gì cũng sai, luôn là thiểu số
“cá biệt” trên diễn đàn QH, với chuyên môn lịch sử thì có dã tâm lộn tùng phèo,
xoá nhoà tất cả ranh giới của chính tà, thiện ác. Đó chính là Dương Trung Quốc
mà bài viết dưới đây của tôi là một dẫn chứng nhỏ.
9-11-2017
ĐÔNG LA
Trên trang của RFA, 19-04-2017, có bài: “Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lịch sử cần được nhìn lại” của Tường An (thông tín viên
RFA), trong đó có đoạn:
“Ngay cả sau khi đã thống nhất, lịch sử
vẫn không được viết một cách trung thực do môn lịch sử học được sử dụng như một
công cụ tuyên truyền, một vũ khí văn hóa để huy động quần chúng. Vì những lý do
đó, một nhóm nghiên cứu thông sử được thành lập để nhìn lại sử Việt Nam dưới
cái nhìn tương đối khách quan hơn. Trong đó, có nhà nghiên cứu sử Dương Trung
Quốc, ông … cho biết lý do cần phải có một bộ sử mới:
«Chúng tôi nghĩ rằng là ai nói đến lịch
sử cũng thường nói đến yếu tố là tính khách quan, thậm chí là phi chính trị.
Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một yếu tố mang tính tương đối thôi, bởi vì làm
sao có thể khách quan được khi do một nhóm người rất cụ thể viết ra và nhất là
trong những chế độ do nhà nước chủ đạo”;
«Còn với bộ sử hiện nay, bộ sử được coi
như mang tính chất nhà nước là do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đứng ra tổ
chức và năm 1970, vào thời điểm chiến tranh, cho nên rõ ràng cái định hướng là
huy động sức mạnh tinh thần, trong đó khai thác giá trị lịch sử để đạt được mục
tiêu chính trị, mục tiêu lịch sử của cuộc cách mạng. Rõ ràng những bộ sử ấy
cũng chưa hoàn thiện… giai đoạn sau thì nó mang tính chất đương đại vì dẫu sao
phải có độ lùi thời gian và có cách nhìn nhận, tránh chủ quan và đặc biệt là
không bị tác động quá mạnh của yếu tố chính trị.»
Bộ sử mới được huy động những chuyên gia
đầu ngành, chủ trì là Giáo sư Phan Huy Lê, dự định thực hiện trong vòng 3-4
năm, bắt đầu từ năm 2015. Bộ “Quốc sử” được biên soạn sẽ gồm 25 tập, ông Dương
Trung Quốc nói mình sẽ tham gia vào 1 trong 4 tập còn lại viết về giai đoạn từ
1858-1945:
«Trong đó có một tập mà tôi tham gia
dưới hình thức là biên niên sử (chronology)… Bên cạnh những giáo trình sử học,
lịch sử … chúng tôi cũng nhận thấy rằng cũng hạn chế không ít về phương pháp
luận khoa học, đặc biệt cách nhìn nhận nó vẫn chưa được thống nhất và phù hợp
với cái nhu cầu hiện nay của chúng ta, tức là nó tăng sức thuyết phục từ
cái tính khoa học của nó cho đến nhản quang nhìn nhận một cách minh bạch những
vấn đề của quá khứ, vì thế dẫn đến một chủ trương của nhà nước là chỉ đạo cho
giới sử học làm một đề tài lớn được gọi là bộ quốc sử… Người ta kỳ vọng rằng nó
có thể tạo ra một bước chuyển nó tương xứng với các thành tựu nghiên cứu sử học
trong thời gian vừa qua và đồng thời nó phù hợp với nhận thức đổi mới, nó làm
tăng sức thuyết phục và nó thu hút được sự chia sẻ của người đọc, trước hết là
của những người Việt Nam đối với lịch sử dân tộc của mình và sau đó là với
các bạn đồng nghiệp của giới sử học quốc tế».
Ông Dương Trung Quốc cũng cho biết bộ sử
mới còn có những thay đổi:
«Tôi lấy thí dụ một câu chuyện mà cũng
trở thành băn khoăn của mọi người: nhân vật Lê văn Tám chẳng hạn! Rõ ràng nó là
một truyền thuyết của thời hiện đại. Có những người muốn tin nó là thật, nhưng
có những người cảm thấy khó tin. Nhưng lúc đó nó phản ảnh một nhu cầu là tinh
thần chống giặc ngoại xâm».
***
Như vậy ông Dương Trung Quốc cho rằng
Lịch sử Việt Nam hiện có và được dạy cho học sinh, nhất là phần “đương đại”,
đã vì “mục tiêu chính trị”, bị “hạn chế không ít về phương pháp luận
khoa học” nên “chưa hoàn thiện”, chưa “minh bạch” và chưa “khách
quan”. Vì vậy theo ông ta là cần phải “tạo ra một bước chuyển nó tương
xứng với các thành tựu nghiên cứu sử học trong thời gian vừa qua và đồng thời
nó phù hợp với nhận thức đổi mới, nó làm tăng sức thuyết phục và nó thu hút
được sự chia sẻ của người đọc, trước hết là của những người Việt Nam … và sau
đó là với các bạn đồng nghiệp của giới sử học quốc tế”.
Với khoa học công nghệ giá trị luôn là
khách quan, thống nhất nhưng với lịch sử thì ngược lại, cách nhìn về chính tà,
thiện ác của những nước từng xâm chiếm Việt Nam luôn ngược với cách nhìn của
chúng ta. Vì vậy ông Dương Trung Quốc đã tự mâu thuẫn vì không thể có một lịch
sử khách quan theo ý ông ta là chiều theo ý của tất cả người Việt Nam từng ở
hai phía chiến tuyến, chiều theo ý “các bạn đồng nghiệp quốc tế” ở các
nước từng xâm lược Việt Nam. Để thoả mãn những điều đó có chăng chỉ có thể có
một thứ lịch sử được viết ra bởi những kẻ cơ hội, đón gió và xu thời mà thôi!
***
Thứ nhất về “mục tiêu chính trị”
của lịch sử. Nếu khuôn cái nhìn lịch sử theo cái nhìn của lực lượng nắm quyền
phản dân, phản tiến bộ, phục vụ cho việc cai trị, không đúng bản chất của sự
thật lịch sử, rõ ràng là sai trái. Nhưng chế độ chính trị nước ta được hình
thành sau khi chiến thắng ngoại xâm, giành lại chủ quyền và giữ vững nền độc
lập, có lẽ nào vì “mục tiêu chính trị” đó, nhận thức lịch sử theo cái
nhìn biện chứng, khoa học, khách quan đó lại cần phải được “nhìn lại”
theo cái nhìn cơ hội, xu thời của Dương Trung Quốc và băng nhóm của ông ta,
đứng đầu là Phan Huy Lê? Nếu có sai ở đây chính là nhận thức chính trị sai của
Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc… chứ lịch sử vì “mục tiêu chính trị” chính
nghĩa, nhân đạo, văn minh không thể sai!
Trên thế giới liệu có nước nào chủ trương
chép một loại sử phi chính trị như ý Dương Trung Quốc? Với nước Mỹ, trong
chuyến du lịch vừa rồi, gia đình tôi đã đến “vùng đất thánh”, tận mắt
chứng kiến khu tưởng niệm quốc gia. Tôi đã bị bất ngờ bởi trước mắt là cả một
quần thể đền, đài, tượng vĩ đại, trang trọng, sang trọng, tưởng niệm
Washington, Lincoln, Jefferson, Roosevelf… trong một diện tích mênh mông nối
với các trung tâm quyền lực nước Mỹ. Đó cũng chính là lịch sử nhưng không phải
bằng các con chữ mà bằng các công trình văn hoá mỹ thuật kỳ vĩ được xây dựng
cũng theo “mục tiêu chính trị” để tôn vinh những anh hùng dân tộc của
nước Mỹ đã có công mà chính cựu TT Obama trong chuyến thăm Việt Nam đã nói tại
Hà Nội: "Vào một thời điểm khác, việc cùng chung lý tưởng đánh đuổi
thực dân đã đưa chúng ta xích lại gần nhau". Đúng vậy, vào thập
niên 1770 đã nổ ra cuộc chiến tranh của 13 thuộc địa chống lại nước Anh vì
chính sách thuế dẫn đến chuyện nước Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Vương
quốc Anh bằng một văn kiện do Thomas Jefferson viết ra. Lực
lượng yêu nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tướng George Washington đã giành được
chiến thắng và đạt được hòa bình vào năm 1783.
Chúng tôi cũng đến Trung tâm Lưu
giữ quốc gia Mỹ (Archives of The United States of America), nơi lưu giữ
các văn bản gốc liên quan đến quá trình hình thành Bản Tuyên ngôn Độc
lập, Hiến pháp và sự đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, những văn
bản mang tính lịch sử thiêng liêng đối với dân Mỹ. Tất cả những văn bản mỏng
manh, vàng úa theo thời gian được lưu giữ trong một toà nhà vĩ đại, tuyệt
đẹp, được canh gác nghiêm ngặt, gian chính để hiện vật cấm chụp ảnh và ánh sáng
mặt trời cũng được ngăn lại mà được chiếu sáng bằng ánh sáng nhân tạo vàng mờ
để loại tia cực tím vì họ sợ tất cả các loại ánh sáng tác động xấu đến các văn
bản.
***
Về ý của Dương Trung Quốc cần phải “tạo
ra một bước chuyển nó tương xứng với các thành tựu nghiên cứu sử học trong thời
gian vừa qua”. Vậy xin điểm qua vài “thành tựu” và vài nét “chân
dung” của Dương Trung Quốc.
Dương Trung Quốc từng cho Hiệp Định
Genève 1954 đã giao miền Nam cho phía VNCH cai quản nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng
không có quyền viết về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa. Về cuốn “Bên
thắng cuộc” của Huy Đức cho “Miền Nam giải phóng Miền Bắc”,
theo BBC: “Sử gia Dương Trung Quốc… 'đánh giá cao' cuốn sách”!
Theo thông tin của một cán bộ ở Đồng
Tháp làm trong ngành Lịch sử cho biết việc: “Ông Đặng Phước Thành muốn biến
khu thờ tự của ông ta thành khu du lịch nên đã “nhờ người “câu móc” với Hội Sử
học VN mà trực tiếp là tạp chí Xưa & Nay (Tất nhiên ông Thành phải chi hàng
tỷ đồng để “đài thọ”)”. Ngày 2-7-2014, Tạp chí Xưa & Nay đã đánh công văn
gởi ông Đặng Phước Thành thông báo việc đã mời “các nhà khoa học” tham gia Hội
đồng tuyển chọn với ông Dương Trung Quốc làm cố vấn, đã chọn ra 125 nhân vật,
trong đó có việc Nguyễn Ánh được đặt ngang với Nguyễn Huệ”.
Cách nhìn “mới” về Nguyễn Ánh và Nguyễn
Huệ có lẽ là một trong những“thành tựu”nghiên cứu lịch sử chính của nhóm Phan
Huy Lê, Dương Trung Quốc. Họ không chỉ đặt Nguyễn Ánh ngang hàng với
Nguyễn Huệ mà thậm chí Phan Huy Lê trên tạp chí Xưa và Nay số 486 – tháng
8-2017, trong bài viết “Công cuộc khôi phục thống nhất quốc gia cuối thế kỷ
XVIII đầu thế kỷ XIX”, còn cho rằng Nguyễn Ánh đã có công “thống nhất
đất nước”do đã tiêu diệt được và đã chiến thắng nhà Tây Sơn!
Trong bối cảnh Nhà Lê suy tàn, thượng
bất chính hạ tắc loạn nên mới gây ra cuộc Trịnh, Nguyễn phân tranh, đẩy dân ta
vào cảnh nồi da xáo thịt mấy trăm năm. Trong cảnh loạn ly đó, chính Nguyễn Huệ
đã dẹp loạn trong nước, thắng giặc ngoại xâm hai đầu đất nước, khi vua cuối
triều Lê chạy trốn lưu vong, ông đã lên ngôi vua. Theo thông lệ thời đó, ông đã
được Nhà Thanh công nhận (như sau này quốc tế công nhận), tức việc lên ngôi của
Nguyễn Huệ đã hoàn toàn chính danh, hợp pháp.
Còn Nguyễn Ánh chính sử ghi là “cõng
rắn cắn gà nhà”; “rước voi về giày mả tổ” bởi vào cuối năm 1783, để chống
lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã giao cho Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), một
Giám mục người Pháp, một tờ quốc thư, quốc ấn cùng người con cả là Nguyễn Phúc
Cảnh như là con tin, để vị giám mục này thay mặt mình sang Pháp cầu viện triều
đình vua Louis XVI. Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo
Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát
thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, mỗi năm sẽ phải trả dần tiền viện
trợ cho Pháp đồng thời cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi
Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông. Sự cầu viện chưa
thành, với sự đại bại trước quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lại đi cầu viện quân Xiêm,
dẫn đến họa quân Xiêm làm đủ điều tàn bạo với dân chúng. Nguyễn Ánh đã bất lực
buông xuôi, giao hết việc lại cho thuộc tướng rồi bỏ ra các đảo.
Vậy Nguyễn Ánh nhân cơ hội Vua Quang
Trung bệnh chết đột ngột, tiêu diệt Nhà Tây Sơn, chính là sự phản nghịch, cướp
ngôi, như ngôn ngữ hiện đại, đó chính là sự đảo chính phi pháp.
Nếu chỉ biết ghi chép các sự kiện theo
tư duy kiểu “con vẹt” thì không cần nhà sử học. Nhà sử học khác con vẹt là
trước các sự kiện phải hiểu được bản chất chính tà, thiện ác của chúng. Phan
Huy Lê viết Nguyễn Ánh có công “thống nhất đất nước” chẳng khác gì nói
bọn phong kiến phương Bắc cũng từng hàng ngàn năm thống nhất Việt Nam, Pháp
cũng 100 năm thống nhất Việt Nam!
***
Về người thiếu niên anh hùng, nhân vật
lịch sử Lê Văn Tám, Dương Trung Quốc đã nói theo Phan Huy Lê: “Nhân vật lịch
sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”. Nhà văn BS Nguyễn Văn
Thịnh đã viết một bài “LẤY SỰ DỐI TRÁ TRÙM LÊN SỰ THẬT” chỉ ra sự dối
trá của Phan Huy Lê với rất nhiều nhân chứng, vật chứng. Tôi không thể trích
dẫn hết được, chỉ xin trích sự chứng thực “nhân vật Lê Văn Tám” của
chính Bác Hồ, của cơ quan “Đảng bộ TPHCM” và người cùng thời với nhân
vật lịch sử:
- Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945
(bảy ngày sau sự kiện xảy ra) đưa tin trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Hồ Chủ
tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong
Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình
để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao
đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được”.
- Lịch sử Đảng bộ TPHCM xác nhận sự việc
thiếu niên Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến
và còn ghi rõ người tổ chức là đồng chí Lê Văn Châu, sau này hy sinh ở mặt trận
Thị Nghè năm 1947.
- Đại tá Võ Thành Khiết mô tả khá chi
tiết trận đánh kho xăng Thị Nghè đêm 17/10/1945: “Tôi sinh năm 1929, quê ở
xã Tân Bửu, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn huyện Bình Chánh và
Bến Lức). Năm 1940 tôi lên học ở Trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong)
Sài Gòn. Vì trường bị quân Nhật chiếm làm trại lính nên chuyển về học tại
trường Trưng Vương ngày nay, sát ngay Sở thú, kế bên Thị Nghè… Bởi thế
vùng này tôi rành lắm. Kho xăng Thị Nghè thực ra chỉ là một đại lý bán sỷ của
hãng dầu Shell, nằm trên con rạch Văn Thánh, sát đầu cầu... Tôi còn nhớ rõ đó
là một căn nhà thấp, nền đất, không rộng lắm, mái tôn xập xệ, vách là những tấm
gỗ mảnh đóng thưa, bên trong chứa đầy chật những phuy xăng dầu dung lượng 200
lít… Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9/3/1945, tôi về quê, tham gia Thanh
niên tiền phong. Ngày 24/8/1945, tham gia cướp chính quyền ở tòa Bố tỉnh Chợ
Lớn… thường xuyên ra vào thành phố lấy tin tức. Trận đánh kho xăng lửa
khói ngất trời. Trận đánh kho đạn tiếng nổ điếc tai nhức óc. Thành phố náo loạn
cả lên. Hôm sau đồn rầm những tin truyền khẩu rồi mới là báo chí. Trận nào cũng
nói là bị Việt Minh đánh… Tin tức nội bộ nói là do một thiếu niên
tên Tám xung phong đánh. Em Tám chứ không nêu đủ họ danh Lê Văn Tám như sau này
đâu. Lòng người lúc đó phấn chấn lắm bởi đang rất căm thù giặc với phong trào
tiêu thổ kháng chiến rất cao. Báo chí hai phía đưa tin rần rần. Khi thùng xăng
phật lửa phụt ra cháy khắp người khác chi là “ngọn đuốc sống” đâu? Gương anh
dũng hy sinh của bạn Tám lúc bấy giờ động viên lớp trẻ chúng tôi rất nhiều
trong chiến đấu. Đó là chuyện có thật 100%, không phải hư cấu như người ta nói”.
Nguyễn Văn Thịnh viết:
“Sử gia Lê phân bua về lời nhắn gửi của
ông thầy: “Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng:
Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất
nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi
không còn nữa”. Hãy bình và suy ra từ đoạn văn này: Câu chuyện xảy ra cuối năm
1945. Nếu ông Trần viết “tài liệu” này vào thời điểm bấy giờ thì thằng bé Phan
Huy Lê 15 tuổi khôn ranh mực nào để được hóng chuyện nhà cách mạng tiếng tăm
Trần Huy Liệu? Còn nếu như sau này ông Trần mới “sáng tác” ra thì đã quá xưa
rồi vì ngay sau khi sự việc xảy ra, khắp trong Nam ngoài Bắc các tờ báo Kèn gọi
lính, Quyết chiến, Thời mới, Cờ giải phóng… đã đăng tải chuyện đó rầm rầm. Ông
Trần còn viết để làm gì trong tình cảnh việc nước như lửa bỏng dầu sôi và việc
nhà quá nhiều chuyện rối?”
“Phải chờ bốn năm sau, khi công luận của
Đảng bộ và những vị lão thành cùng những chiến sỹ từng chiến đấu ở mặt trận Nam
Bộ – Sài Gòn tỏ thái độ công phẫn bất bình trong các cuộc hội họp và trên báo
chí phản ứng quyết liệt thì đấy mới là “dịp thuận lợi” để sử gia Lê thòi cái
đuôi ra. Trên tạp chí nhà Xưa &Nay số 340, tháng 9/2009, ông công bố bài
viết với những luận điệu nửa nạc nửa mỡ, nửa xuề xòa xí xóa, nửa quanh co bịp
bợm với cái lý luận chuyên ngành lừa thiên hạ. Sau những dẫn chứng lòng thòng
lôi thôi ông lộ dần ra: “Lê Văn Tám không phải là tên của nhân vật lịch sử có
thật nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ
quốc có thật”.
***
Đổi mới nghiên cứu lịch sử không phải là
chuyện thay đổi các giá trị, thay đổi các chuẩn mực của đạo lý, thay đổi bản
chất các vấn đề. Mà đổi mới là cần phải đánh giá lịch sử một cách biện chứng
hơn, để tiếp cận bản chất các sự kiện, tiến gần tới chân lý hơn. Trên quan điểm
đó nhiều thái độ đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử cần thay đổi, cần vị tha,
nhưng nhận thức bản chất các vấn đề thì không thể thay đổi. Người ta không thể
đổi trắng thay đen, lộn ngược các giá trị về thiện ác, đạo lý. Cái khó hiểu đối
với tất cả người Việt có lương tri là tại sao những cơ quan, những cá nhân có
trọng trách về lịch sử, văn hoá và tư tưởng của nhà nước lại tạo điều kiện, ủng
hộ hoặc trước những dư luận phản đối không xử lý nghiêm minh những người nghiên
cứu lịch sử, viết sử luôn kêu gọi viết sử phải khách quan, khoa học nhưng chính
họ lại có cái nhìn không chỉ chủ quan, phản khoa học mà còn ngược với lương
tri, đạo lý?!
Với Dương Trung Quốc là Đại biểu Quốc
hội nhưng thường đưa ra ý kiến nào cũng sai. Tác giả Dương Đại Việt từng viết
về Dương Trung Quốc như sau:
“Những người cơ hội chính trị không có
quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định. Khi
thuận lợi thì tỏ ra “cấp tiến”, khi gặp khó khăn thì thoái lui, thoả hiệp.
… tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Việt Nam
Khóa XIII, Dương Trung Quốc muốn chứng tỏ sự “cấp tiến” của mình đã phát biểu
chất vấn tại nghị trường quốc hội, ngạo mạn đặt vấn đề “văn hóa từ chức” … khi
nghe Thủ tướng trả lời một cách chân thiết, khúc chiết, thấu lý đạt tình, nhận
được sự tán dương của đa số đại biểu Quốc hội, thì ông Dương Trung Quốc liền
chữa lửa bằng lời thanh minh “chất vấn là để xem Thủ tướng trả lời ra sao, và
với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là an dân”. Điều
đó cho thấy ông Dương Trung Quốc rõ ràng là kẻ cơ hội chính trị, luôn ngả
nghiêng, dao động. Coi việc chất vấn là trò chơi chính trị cá nhân chứ không
phải là đại diện cho cử tri thảo luận các vấn đề trọng đại của quốc gia”. Làm
dấy lên làn sóng chỉ trích Thủ tướng rất nhiều…”.
Tác giả: Đông La
Ngày 01-11-2017