Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

BẢO ĐẠI TỪ CÔNG DÂN MỘT NƯỚC ĐỘC LẬP TRỞ THÀNH MỘT QUỐC TRƯỞNG BÙ NHÌN NHƯ THẾ NÀO?

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Hoàng thân Lào Suphanuvong (trái) và cố vấn Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (phải).
Hôm nay, ngày 23-8-2017. Cách đây 72 năm, cùng ngày này, cả Thừa Thiên Huế nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Lúc 2 giờ 30 ngày 24-8-1945 Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) đã gửi một bức điện tín cho Ủy ban Nhân dân Cứu quốc ở Hà Nội. Bức điện có đoạn viết: “Trước giờ phút quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới Huế, để nhận lễ thoái vị”. Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Cứu quốc ở Hà Nội gửi điện trả lời báo tin Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập và đồng ý với đề nghị của Bảo Đại về việc thoái vị.

Chiều 25-8-1945, đại diện Chính phủ lâm thời điện cho Bảo Đại yêu cầu ông ta “ban dụ chính thức thoái vị và sẽ cử đại biểu của Chính phủ lâm thời vào nhận lễ thoái vị”. Ngày 27-8-1945, phái đoàn của Chính phủ lâm thời gồm các đồng chí Trần Huy Liệu (trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận rời Hà Nội. Chiều 29-8-1945, đoàn vào đến Huế. Bảo Đại tiếp đoàn tại điện Kiến Trung và chấp nhận những điều kiện và nghi thức lễ thoái vị.

Chiều 30-8-1945, lễ thoái vị được chính thức cử hành trước Ngọ Môn. Bảo Đại mặc triều phục hoàng đế đọc chiếu tự nguyện thoái vị. Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời chấp nhận việc thoái vị của Bảo Đại và tiếp nhận ấn kiếm vàng tượng trưng cho sự chấm dứt quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Lá cờ “quẻ Ly” bị hạ xuống và lá Cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của Việt Nam Dan chủ Cộng hóa được kéo lên trên cột cờ tại đại nội trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân Thừa Thiên Huế.

1- Từ Vua Bảo Đại trở thành công dân Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy:

Bảo Đại đã viết gì trong chiếu thoái vị của ông ta ? Sau đây là toàn văn “Chiếu thoái vị” của Bảo Đại.

“Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam,
Vì nền độc lập của Việt Nam,


Muốn đạt được hai mục đích ấy, trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước muốn rằng sự hy sinh của trẫm phải đem lại lợi ích cho Tổ quốc.
Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.
Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào sau hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.

Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước.

Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, trẫm đã quyết định thoái vị, và trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.

Trước khi từ giã ngai vàng, trẫm chỉ có ba điều muốn nói:

–Thứ nhứt: Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.

–Thứ hai: Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân.

–Thứ ba: Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, ngõ hầu củng cố nền độc lập quốc gia.

Riêng về phần trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ.

Từ nay, trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập. trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.

Việt Nam độc lập muôn năm,
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm,

Khâm thử: Bảo Đại
Huế, điện Kiến Trung ngày 25 tháng 8 năm 1945”

Cùng với “Chiếu thoái vị”, Bảo Đại cũng ban hành một đạo dụ cho hoàng tộc nhà Nguyễn như sau:
“Kể từ ngày Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế (tức Chúa tiên Nguyễn Hoàng – TMN) vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 399 năm. Trong non bốn thế kỷ, Liệt Thánh chúng ta đã trải qua biết bao sự gian lao nguy hiểm vì nước vì dân, mới truyền ngôi lại cho trẫm được đến ngày nay.

Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, trong giờ phút trẫm bỏ hết, bà con trong Hoàng Tộc, ai nghe cũng phải đau đớn ngậm ngùi.

Song trẫm biết rằng: đó chỉ là cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chớ bà con ta, ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét rộng thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định ba chữ “Dân Vi Quý” làm khẩu hiệu của chánh thể mới sau khi đã tuyên bố “Để Hạnh Phúc Dân Lên Trên Ngai Vàng”, nay trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân.

“Độc lập của nước, Hạnh phúc của dân”, vì tám chữ đó mà trong tám chục năm vừa qua biết mấy mươi vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa trong lao tù ngục tối.

Đối với những sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt nữ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, trẫm cho sự thoái vị của trẫm là thường.

Vậy trẫm muốn bà con trong Hoàng Tộc sau khi nghe lời thoái vị ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng họ Chánh phủ Dân chủ Cộng hòa giữ vững nền độc lập cho Tổ Quốc. Thế mới là một cách chân thành cao thượng, giữ chữ Trung với trẫm, chữ Hiếu với Liệt Thánh.

Việt Nam Độc lập Muôn năm.
Dân chủ Cộng hòa Muôn năm.

Khâm thử: Bảo Đại”

Xét theo lời lẽ được viết trong “Chiếu thoái vị”“Đạo dụ” gửi hoàng tộc nhà Nguyễn thì Bảo Đại có vẻ như đã hoàn toàn lột xác. Việc ông ta tuyên bố: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ.” và nhận thức của ông ta thông qua câu dụ: “Độc lập của nước, Hạnh phúc của dân”, vì tám chữ đó mà trong tám chục năm vừa qua biết mấy mươi vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa trong lao tù ngục tối… Đối với những sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt nữ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, trẫm cho sự thoái vị của trẫm là thường” cho thấy việc thoái vị của ông ta là có sự cân nhắc suy xét, tính toán kỹ lưỡng và hoàn toàn chủ động chứ không phải là một việc làm hồ đồ nhất thời hay do run sợ vì bị cách mạng ép buộc.

Sau khi thoái vị trở thành công dân một nước độc lập, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối xử rất tốt. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông ta làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông ta cũng được mời làm một trong 7 thành viên của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Ngày 6-1-1946, trong cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được bầu làm đại biểu Quốc hội.

2- Không cưỡng nổi sức cám dỗ của tiền tài và danh vọng.

Những tưởng Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy đã hoàn toàn chôn vùi giấc mộng trở lại quyền lực nhưng chỉ sau nửa năm làm việc cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông ta đã không thể cưỡng lại dược tham vọng chính trị khi bị các thế lực ngoại bang tác động nhằm sử dụng cho mưu đồ chính trị của họ sau này. Bản thân Vĩnh Thụy cũng không thể cưỡng nổi sự cám dỗ mà các cơ quan đặc biệt nước ngoài đã đem đến cho ông ta.

Ngày 16-3-1946, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được cử tham gia phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thực hiện chuyến đi thăm Trung Hoa dân quốc để đàm phán về việc thực hiện Hiệp ước Hoa – Pháp 1946, rút quân đội Tưởng Giới Thạch khỏi miền Bắc Việt Nam. Tại đây, ông ta đã được các nhân viên mật vụ Mỹ “chăm sóc chu đáo” và đã không trở về Việt Nam sau khi chuyến thăm kết thúc. Khi đoàn về đến Côn Minh, các mật vụ OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ) đã bố trí cho ông ta bí mật tách khỏi đoàn và đưa về Hồng Công. Tại đây ông ta đã có cuộc mật đàm với tướng 4 sao George Marsall của Mỹ và ông này đã đem về trình tổng thống Mỹ Harry Truman một bản mật ước giữa hai bên.

Trong mọi trường hợp tương tự thì việc trốn ở lại nước ngoài đều bị coi là phản quốc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng ở Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy và cho rằng ông ta có lý do cá nhân nên chưa chịu về nước. Đầu tháng 12-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền và vàng qua Hồng Công cho Cố vấn Vĩnh Thụy chi tiêu. Đến trước tháng 8-1947, trả lời phỏng vấn của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại đáp rằng: “Chúng tôi xa mặt chứ không cách lòng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của Cố vấn Vĩnh Thụy hiện đang ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho chính phủ quốc gia mà Cố vấn vẫn là thành viên”.

Thấy Vĩnh Thụy cần tiền, các điệp viên Pháp đã vào cuộc và hỗ trợ tài chính cho ông ta, cứ mỗi tháng Pháp lại cấp cho Vĩnh Thụy 5.000 Dollar Hồng Công. Vĩnh Thụy trở lại cuộc sống xa hoa giàu có. Ông ta mua một toà nhà rất đẹp theo phong cách kiến trúc Anh, gần bờ biển Stanley Beach, thường hay tiếp khách ở Causeway Bay, cho họ nghỉ tại Hongkong Hotel hoặc ở Paramount hay Saint-Francis. Về sau, khi bán tài sản riêng ở Hồng Công, ông ta thu được một khoản tiền đến một triệu đồng Đông Dương. Jean Cousseau, trùm mật vụ Pháp ở Đông Dương, kẻ phụ trách việc chu cấp tiền cho Vĩnh Thụy đã nói với nhà báo Lucien Bodard: “Tôi tin sắp thành công đến nơi vì Bảo Đại rất cần tiền. Đó là một ông vua tầm thường, bị phế truất, không có tiền tiêu, không có hoài bão gì. Ông ta đang trong cảnh gần như khốn cùng. Thực tế đó là một công việc không dễ dàng chút nào. Tôi đã đem đến hàng triệu bạc, mà vẫn không đủ cho ông ta tiêu pha. Trở lại với cuộc sống ăn chơi xa hoa, Bảo Đại càng bị lôi cuốn…”

Đầu năm 1947, Cao ủy Pháp D’Argenlieu bị triệu hồi về nước do bị người Việt Nam và các đảng phái cánh tả Pháp căm ghét. Trước áp lực của các đảng phái cánh tả Pháp như Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Xã hội Pháp, Thủ tướng Ramadier, một đại biểu của Đảng Xã hội Pháp cho rằng chính phủ của ông ủng hộ nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam: “Độc lập trong Liên hiệp Pháp cùng với liên minh của ba nước An Nam, nếu người dân An Nam mong muốn nó”. Và Pháp sẵn sàng đàm phán hòa giải với những đại diện chân chính của Việt Nam. Từ thời điểm này, con bài “Bảo Đại” được thực dân Pháp sử dụng trở lại.

Tháng 10-1947, thực dân Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiêu diệt Chính phủ liên hiệp kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kết thúc chiến tranh. Người Pháp thấy đã đến lúc sử dụng con bài “Bảo Đại”. Với sự hồi thúc của trùm mật vụ Pháp tại Đông Dương Jean Cousseau, Vĩnh Thụy đã viết một lá thư gửi về nước xin từ chức Cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhận xét về hành động này của Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết: “Bác Hồ rất tin tưởng cố vấn Vĩnh Thụy, nhưng cố vấn Vĩnh Thụy vốn rất nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẫy của mật thám Pháp và các thành phần thân Pháp nên ông đã bị đẩy vào cái thế phải trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp, phản bội lại chính nghĩa của quốc gia, chống lại kháng chiến giải phóng dân tộc, đối đầu với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã cưu mang và tin tưởng ông ta”.

3- Từ công dân một nước độc lập trở thành quốc trưởng bù nhìn.

Sau khi hối thúc Vĩnh Thụy viết đơn từ chức cố vấn tối cao, trùm mật vụ Pháp ở Đông Dương Jean Coussseau ngỏ ý ngỏ ý mời ông về nước nắm quyền, hình thành nên cái gọi là “giải pháp Bảo Đại”, một giải pháp chính trị nhằm chống lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lợi dụng xu hướng quốc tế trao trả độc lập cho các thuộc địa đồng thời nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương. Chính Bảo Đại cũng phải thừa nhận rằng: “Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp”.

Để hậu thuẫn cho Bảo Đại đàm phán với Pháp về cái gọi là độc lập của Quốc gia Việt Nam, thực dân Pháp đã huy động các lực lượng chính trị đối lập với Việt Minh như Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng liên kết thành lập một tổ chức bù nhìn gọi là Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp ủng hộ Bảo Đại đàm phán với Pháp. Tháng 5-1947, cái gọi là Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp đã cử phái đoàn đến Hồng Công gặp Bảo Đại để thuyết phục ông ta thành lập một Chính phủ Trung ương và đàm phán với Pháp về việc trao trả độc lập cho cái gọi là Quốc gia Việt Nam.

Với sự bố trí của thực dân Pháp, Ngày 7-12-1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập cái gọi là Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, mặc dù nghĩa chính xác của từ “độc lập” và các quyền hạn cụ thể của chính phủ mới vẫn không được xác định. Do đó, Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp không khác gì một quốc gia bù nhìn. Theo bản Hiệp ước này, Quốc gia Việt Nam sẽ có một quân đội riêng. Tuy nhiên, quân đội ấy phải “sẵn sàng bảo vệ bất cứ phần đất nào của Liên Hiệp Pháp” cho nên quân đội ấy cũng chỉ là một tứ ngụy quân.

Do mâu thuẫn giữa Bảo Đại và các phe phái trong cái chuồng ngựa được gọi là Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp và do không thỏa mãn với địa vị thấp bé của mình trong Hiệp ước Hạ Long không thực hiện được nên từ cuối tháng 12-1947, Bảo Đại làm mặt “chảnh”, đi du hý Châu Âu trong 4 tháng liền. Cuối tháng 4-1948, thực dân Pháp lại phái Nguyễn Văn Xuân và Trần văn Hữu sang Hồng Công gặp Bảo Đại để đề nghị ông ta quay lại đàm phán.

Ngày 15-5-1948, Bảo Đại gửi thư cho Nguyễn Văn Xuân, tán thành việc thành lập Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam do Xuân đứng đầu. Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại với chức vụ Quốc trưởng. Cái Quốc gia Việt Nam bù nhìn với một quốc trưởng bù nhìn là Bảo Đại hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của thực dân Pháp đã được dựng lên như vậy đấy.

Tuy được người Pháp gọi là một chính quyền của một Quốc gia Việt Nam độc lập nhưng cái “nhà nước hư cấu” này không hề có quốc hội và cũng không có hiến pháp. Bản thân cái gọi là quân đội quốc gia của cái “thực thể chính trị hư cấu” này cũng hoàn toàn do nhà nước Pháp trả lương và trang bị, do quân đội Pháp huấn luyện và chỉ huy theo các kế hoạch tác chiến của quân đội Pháp. Nói cách khác, đó là đội quân người Việt trong quân dội Pháp.

Phản ứng trước hành động này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” là một thứ ngụy quyền, một chính quyền tay sai Pháp, bởi nó đã đi ngược lại những mục tiêu giành quyền tự trị về quân sự, ngoại giao, kinh tế mà đoàn đàm phán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được ở Fontainebleu, được thể hiện trong Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, trong Hội nghị trù bị Đà Lạt và trong Tạm ước Việt – Pháp ngày 14-9-1946. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng tuyên bố với thế giới rằng chỉ có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam, còn chính phủ do Bảo Đại thành lập là bất hợp pháp bởi nó được lập nên mà không thông qua bầu cử toàn dân.

Tuyên bố trên nhanh chóng nhận được sự ủng hộ khi vào ngày 18-1-1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tiếp sau đó là Liên Xô cùng một loạt các nước xã hội chủ nghĩa khác công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn cái gọi là Quốc gia Việt Nam thì ngoài Pháp và mấy thuộc địa của Pháp ra, không có nước nào công nhận nó, kể cả Mỹ. Ngày 15-11-1951, thượng nghị sĩ Mỹ John F. Kennedy (sau này là Tổng thống Mỹ) đã phát biểu trên đài VOA: “Chính quyền các xứ Đông Dương là những chính phủ bù nhìn, những lãnh địa thuộc Pháp của các ông hoàng (ám chỉ Bảo Đại và các quốc vương Lào, Campuchia) với tài nguyên to lớn nhưng lại là những ví dụ điển hình của đế quốc và thực dân mà người ta có thể thấy bất kỳ nơi đâu”.

Trong tiến trình sau dó, thực dân Pháp đã coi thoả hiệp Élysée 1949 là một mớ giấy lộn và không bao giờ thi hành nó. Quân đội viễn chinh Pháp tiếp tục tham chiến tại Việt Nam, nhân viên hành chính Pháp tiếp tục nắm quyền lực ở tất cả các cấp hành chính từ phủ, huyện trở lên. Quốc gia Việt Nam không hề được trao cho một chút quyền hành thực sự nào. Trên thực tế, cái gọi Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự nguỵ trang cho nền cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Chính Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình trong tháng 5 và tháng 6-1949 đã viết: “Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại chỉ có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên”. Còn nhà nghiên cứu chiến lược Mỹ Archimedes L.A. Patti thì nhận xét: “Tất nhiên là họ (Quốc gia Việt Nam) đã lầm. Không bao giờ Pháp cho Việt Nam độc lập để mất Đông Dương.”

Bảo Đại đã từ địa vị một cố ván tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một công dân của một nước Việt Nam độc lập sau năm 1945 trở thành quốc trưởng bù nhìn của một “quốc gia hư cấu” như vậy đấy.

Và kết cục của của cái “nhà nước hư cấu” được gọi là Quốc gia Việt Nam ấy đã đến khi Hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết chỉ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương thì cái “Quốc gia Việt Nam” ấy cũng sụp đổ. Đế quốc Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm cái gọi là thủ tướng rồi thay Bảo Đại là quốc trưởng. Trên cơ sở cái “thây ma chính trị” được gọi là Quốc gia Việt Nam ấy, Mỹ đã dựng lên cái gọi là Việt Nam Cộng hòa. Và bây giờ, chính người Mỹ và các thế lực thù địch chống Việt Nam lại đang chơi trò “xác ướp Ai Cập”, mưu mô phục dựng lại cái “thây ma chính trị” Việt Nam Cộng hòa đã bị ném vào sọt rác lịch sử từ hơn 40 năm trước. Nhưng điều đáng phẫn nộ hơn cả là một số nhà sử học Việt Nam hiện nay không biết do vô tình hay cố ý đã lại mắc vào cái bẫy khách quan giả hiệu, trung lập giả hiệu và đa chiều giả hiệu của chúng để tiếp tay cho việc đó.


Tâm Minh Nguyễn
(Nguồn: Diễn Đàn Dân Chủ, ngày 23-8-2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.