Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

THỜI SỰ VÀ SUY NGẪM, SỐ 93

Đọc những lời hùng hồn, tâm huyết, “có cánh” trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về vấn đề nhân sự Trung ương, ai cũng sướng! Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng mới có một văn kiện rõ ràng, quyết liệt, thẳng thắn… như vậy! Nó phản ánh rõ ràng tình hình trong Đảng, trong xã hội. Bên cạnh những thành tựu lịch sử, thì là những cái nát đến đau lòng! “Một bộ phận không nhỏ” tham ô, thoái hóa, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, đặt lợi ích nhân dân, đất nước dưới lợi ích cá nhân mình! “Một bộ phận không nhỏ” đó, nếu không được ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, cũng đủ phá hoại sự nghiệp cách mạng, làm đảo lộn tình thế đất nước trong một bối cảnh trong - ngoài đều phức tạp như hiện nay. Vạch mặt, chỉ tên, nhất trí không cho họ “lọt” vào Trung ương, vào “trung tâm quyền lực” là một việc làm bức thiết, cực kỳ quan trọng, liên quan đến sự mất, còn, an, nguy…


Nhưng sau khi thấy sướng, thì ai cũng thấy lo. Vì tình hình đã tới mức ấy, nói ra đã khó, nhưng làm được lại càng trăm lần khó hơn. Có khi không nói mà làm, có khi nói ít mà làm nhiều…, chứ nói ra rồi mà không làm được thì nguy! Vì sao? Vì anh đã nói ra, thì kẻ bị nhìn bị ngắm ắt sẽ cảnh giác, sẽ đối phó bằng trăm phương ngàn kế. Nó sẽ tập hợp lực lượng, quyết liệt, không từ một thủ đoạn nào để chống anh, để “lọt” cho được vào. Đấu tranh quyền lực là đấu tranh mất - còn, gay gắt, đâu dễ anh chỉ nói mấy câu mà thắng lợi! Vì thế mà lo. Mà càng lo nữa, là tình hình hoàn toàn chưa rõ, không được thông tin minh bạch. Đây mới chỉ là phương hướng nhân sự thôi, còn kết quả dự kiến nhân sự cụ thể thì còn phải chờ đến Hội nghị Trung ương cuối năm. Và tất cả còn phải chờ Đại hội. Đại hội là cấp cao nhất, quyết định. Và vào Đại hội, thì còn phải chờ đến phút cuối cùng, hay phút “đá bù giờ”, mới ngã ngũ. Ngày trước, dự kiến nhân sự của Trung ương, dự kiến đâu trúng đó, còn bây giờ còn nhiều tham số, ẩn số. Tình hình từ lúc còn Bác, còn Bộ Chính trị, Trung ương trong chiến đấu đến nay đã khác rất nhiều. Đi từ thời chinh chiến vào thời bình, đi từ chiến tranh vào xây dựng, đi từ quan liêu bao cấp kế hoạch hóa vào thị trường, đi từ biệt lập sang hòa nhập, toàn cầu hóa mà trong đó phương Tây tư bản chủ nghĩa là chủ…, tình hình đã đổi khác sâu xa. Thế mà dường như căn bản Trung ương vẫn giữ cách lãnh đạo thời chiến: Ngày ấy, toàn Đảng toàn dân tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ủy thác tất cả cho Đảng quyết, một lòng tin tuyệt đối, hy sinh không tiếc thân mình cho thắng lợi cuối cùng! Ngày nay, sự thế đã đổi khác. Ai cũng biết Trung ương được bầu ra qua nhiều cấp là có sự chọn lọc rất kỹ, qua nhiều bước, thận trọng… Nhưng cũng không ai dám nghĩ rằng 100 triệu dân có thể ủy thác tất cả cho 170 vị Trung ương mà an tâm không lo lắng. Vì thực tế ngày nay không như thực tế hôm qua, ngày con người được luyện thành thép qua chiến đấu thử thách, tù ngục, chiến công…; thành Trung ương như thành Bồ tát! Còn ngày nay, thì “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa, ắt phải có một số ông bà trong Trung ương! Mà sự thật nó rõ ràng ra đó rồi, mọi người đâu có mù chữ, ngu dốt, u mê!

Thế mà nay lại phải im lìm ủy thác cho các vị ấy, trong khi đất nước, sự nghiệp này là xương máu, tâm huyết bao thế hệ xây nên và ai cũng phải có trách nhiệm, quyền lợi… Nó mà biến động, mà thay đổi, thì người dân lao động, người cán bộ thường… lãnh đủ!

Bọn phản động chống phá thường “chửi” chế độ ta “toàn trị”, “độc tài”. Họ so ta với các nước dân chủ. Ta không thiếu các nhà lý luận và các lý lẽ để “đập” lại họ: Các Hội đồng lý luận, các trường Đảng, các báo đài Trung ương loại cỡ…, thiếu chi đó! Rằng: Dân chủ của các anh là dân chủ tư sản, dân chủ các anh là thứ giả hiệu. Thực chất nó là do các đại tài phiệt nắm quyền, nó làm bộ thí cho các anh một chút xíu phỉnh phờ bằng lá phiếu bầu để lừa… nghe cũng đúng! Nhưng cũng cần lưu ý là chủ nghĩa tư bản hình thành và phát triển 6 thế kỷ nay, từ thời Phục hưng ở thế kỷ 15, nó liên tục phát triển và điều chỉnh, và nay nó chưa tới điểm dừng, mặc dù luôn khủng hoảng. Nó điều chỉnh thành Nhà nước phúc lợi, 90% công nhân là cổ cồn, trí thức, có nước như Na Uy vừa có Thủ tướng đến thăm ta thu nhập bình quân đầu người lên đến 100.000 USD (là do nước nhỏ mà có dầu mỏ, nhưng cũng là do “điều chỉnh” tốt, không có tham nhũng, số liệu do báo Nhân Dân công bố trong xã luận).

Nói như thế để thấy rằng ta phải học nhân loại. Và cũng phải liên tục điều chỉnh. Điều chỉnh thì tồn tại. Cãi nhau về ý thức hệ có lúc cũng cần, nhưng cần hơn là học, điều chỉnh.

Mà trong vấn đề dân chủ, cơ sở quan trọng nhất để giữ nước, yên dân, ta phải tận lực học tập Bác Hồ. Học tư tưởng Hồ Chí Minh là học ở chỗ cơ bản, thiết yếu đó. Bác đi khắp năm châu, nghiên cứu, thể nghiệm các nền văn minh nhân loại và rút ra các điều sâu sắc, thật lòng nhất: tất cả do dân, bao nhiêu sức mạnh, bao nhiêu quyền lực là ở dân… Người chân thành phục vụ dân, đặt dân ở vị trí cao nhất - người chủ mình, còn người cán bộ, người đảng viên, người Cộng sản, chỉ là “đầy tớ”, đúng hơn “công bộc”.

Nhưng nay thì trong Đảng, chính quyền… một số không ít người không hiểu như thế mà làm ngược lại. Và quyền lực cai trị không được kiểm soát, khống chế. Bao nhiêu cơ quan có chức năng làm điều này còn yếu, hoạt động không hiệu quả. Tham nhũng không trị được mà lan tràn từ trên xuống dưới, không ai làm gì được, mặc dù biết thừa. Phải có công cụ, luật pháp, chứ dân tay không thì làm gì được ai? Tại sao? Ta phải nghiêm khắc coi lại mô hình, thể chế, phải nghiên cứu - thực hành lại, nếu không thì có lúc hối không kịp.

Khi Liên Xô sụp đổ, tờ báo Tấm Gương (Der Spiegel) của Đức bình luận một câu xanh rờn: “Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ vì chính hệ thống cấu trúc của nó”. Tức là hệ thống hình chóp nón, một bộ phận nhỏ nắm quyền và bộ phận ấy lại do một người khống chế! Do đó, sinh ra những hiện tượng, như Stalin, Mao Trạch Đông… mặc dù lúc đầu họ là một người cách mạng chân chính, nhưng chính hệ thống đã làm họ tha hóa. Và chính là M. Gorbachov đã phản bội, đã bán rẻ cả một chế độ do hoang mang, dao động, trở cờ. Nhưng rồi ai đâu làm gì được Gorbachov? Ông ta còn được phương Tây và khối người đề cao là đã mở ra nền dân chủ.

Ngày nay ta không thể đi vào vết xe đổ đó. Đã đành, ta không nghe theo một số người hô hào ta đi theo phương Tây, thay đổi chế độ, nhưng ta phải suy nghĩ, học hỏi nghiêm khắc lắm: làm sao cho có dân chủ mà dân chủ của ta phải cao hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn dân chủ tư sản. Đó là một điều không dễ, nhưng nếu không làm, thì có ngày nguy biến!

170 vị trong Trung ương rất đáng kính trọng, nhưng “các bác” thay mặt cho “chúng em”, thì cũng nên nghe “chúng em”, để cho “chúng em” được nghĩ, nói, đóng góp… chứ một mình quý vị e không đủ sức! Chỉ có nhân dân là đủ sức thôi, và sức dân, lực dân, trí dân… phải được tận dụng. Từ thế kỷ 13, ông cha ta đã biết mở Hội nghị Diên Hồng! Ta phải “thực hành dân chủ” rộng rãi như Bác dặn trong Di chúc. Trước mắt, nên công khai dự kiến nhân sự và tổ chức cho dân bày tỏ nguyện vọng, đóng góp nhân sự; tổ chức điều tra trong từng nhóm nhỏ, tiêu biểu như: lão thành cách mạng, cựu chiến binh, các nhà khoa học, các nhà văn nghệ, sinh viên, công nhân, nông dân… ở những điểm tiêu biểu cho từng vùng, miền… Điều tra, lấy ý kiến, tổng kết trung thực, gởi về Trung ương tham khảo. Quốc hội cũng là một kênh rất quan trọng. Nhiều đại biểu Quốc hội không có quyền cao chức trọng, còn gần dân, nghe dân và còn giữ phẩm chất cách mạng, phẩm chất Bác Hồ…, tiếng nói của họ còn trung thực.

Đó là tạm thời, còn về lâu dài thì phải có rất nhiều suy nghĩ, biện pháp, đổi mới, điều chỉnh chứ không trì trệ, đứng yên… trái với quy luật vận động của đời sống, của thế giới. 

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.