Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA NHÀ VĂN VÀ NHÀ XUẤT BẢN

Ở tất cả các nước dân chủ, trong đó có Việt Nam ta, các quyền cơ bản của công dân được tôn trọng. Người dân có quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, xuất bản v.v... Hiến pháp quy định báo chí và xuất bản phẩm không phải qua kiểm duyệt trước khi công bố. Nhà văn, nghệ sĩ có thể viết, vẽ, thể hiện tác phẩm của mình dưới hình thức văn học, nghệ thuật một cách hoàn toàn tự do, không bị ai can thiệp, cản trở. Nhà xuất bản (NXB) có quyền công bố mọi sáng tạo hoặc công trình nghiên cứu, miễn các tác phẩm ấy không vi phạm pháp luật.


Đó là nói về lý thuyết. Trong thực tế ở tất cả các nước có rất nhiều rào cản được thể hiện bằng luật định. Hệ thống pháp luật dân sự và hình sự tại các nước phát triển lại đầy đủ, chi ly, dự kiến điều chỉnh nhiều trường hợp có thể phát sinh hơn luật pháp nước ta, do đó xem ra còn rắc rối hơn ta nhiều.

Bài viết này thử tóm lược một số vấn đề theo góc nhìn từ pháp lý và đạo đức nghề nghiệp của nhà văn và NXB qua ý kiến của những người trong cuộc tại Pháp và Thụy Sĩ. Chuyện nước người, đúng sai hay dở còn phải bàn, dù sao thực tiễn đáng cho ta quan sát và suy ngẫm. Pháp vẫn được coi là một nền dân chủ tiêu biểu tại Tây Âu, báo chí và xuất bản phẩm Pháp đa dạng, phong phú và thông thoáng. Nước Pháp cũng là nơi sinh sống và tác nghiệp của nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nước ngoài. Liên bang Thụy Sĩ là nước trung lập, thực hiện nền dân chủ trực tiếp từ lâu. Ngôn ngữ quốc gia chính thức tại Thụy Sĩ có ba thứ tiếng: tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý. Luật pháp Thụy Sĩ cả về dân sự và hình sự liên quan đến báo chí, xuất bản, trách nhiệm công dân của nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo và của NXB khắt khe hơn ở Pháp - nói cách khác, số rào cản trong sáng tạo và công bố tác phẩm văn nghệ, báo chí dày hơn(1). Tất cả các hạn chế và chế tài định trong luật quốc gia đều phù hợp với các quy định tại Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948, đặc biệt Điều 29-2, nguyên văn như sau:

Khi hưởng thụ các quyền tự do của mình, mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những nhu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

Khi tác phẩm ra khỏi phòng văn

Về lý thuyết, trong chế độ dân chủ, bất kỳ ai có thể viết về bất kỳ vấn đề gì. Trong phòng văn riêng biệt của mình, nhà văn thích gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy, không sợ bị bất kỳ ai dòm ngó, chê bai, trách móc, và cũng không ai được phép làm việc đó. Tuy nhiên, quyền tự do tuyệt đối chỉ khoanh lại trong phạm vi bốn bức tường của phòng văn, tức là chừng nào những cái viết nên chưa mang ra công bố. Một khi tác phẩm được xuất bản, nhà văn sẽ cùng NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cộng đồng, “phải tuân thủ những hạn chế do luật định”, nếu vi phạm sẽ bị chế tài theo ba mặt: hành chính, tư pháp và đạo đức.

Tác phẩm xuất bản (hiểu theo nghĩa hiện đại là được công bố bằng bất cứ phương tiện kỹ thuật nào) nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức xã hội, sẽ gặp trước tiên sự điều chỉnh của pháp luật về hành chính. Luật dân sự nước Pháp từ xa xưa, kể từ khi bắt đầu xuất hiện ngành in theo phương pháp xếp chữ rời (in typo), đã có quy định mọi ấn phẩm bắt buộc phải nộp 2 bản lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia. Thời gian gần đây, có quy định nộp thêm một bản thứ ba tại Bộ Nội vụ nhằm mục đích hậu kiểm về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, bảo vệ an toàn xã hội.

Khi một tác phẩm bị nhà chức trách coi là “có vấn đề” về thuần phong mỹ tục, và sau khi đã xem xét, kết luận, nó có thể bị xử lý bằng một hoặc nhiều biện pháp như sau: cấm bán cho trẻ em, cấm quảng cáo, cấm trưng bày (affichage), trường hợp đặc biệt thì cấm lưu hành. Nếu trong thời hạn một năm, một NXB chịu ba lần chế tài bằng một trong mấy biện pháp trên, tác phẩm do NXB ấy thực hiện từ đây trở đi buộc phải nộp lưu chiểu trước khi phát hành. NXB chịu hình thức xử phạt ấy gần đây nhất là Olympia Press do Maurice Girodias (1919-1990) sáng lập và điều hành(2).

Ai có thẩm quyền kết luận tác phẩm “có vấn đề” về mặt hành chính? Đó là một Ủy ban gồm đại diện các ngành báo chí, xuất bản, tổ chức xã hội liên quan đến gia đình, và cơ quan hành chính. Ủy ban này, thành lập theo luật định, sẽ xem xét những tác phẩm được coi là có nội dung dâm ô độc hại cho trẻ em vị thành niên do Bộ Nội vụ chuyển tới, và đưa ra lời khuyến cáo. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ có toàn quyền ra quyết định theo hoặc không theo khuyến cáo của Ủy ban.

Đây không phải chuyện quy định trên văn bản, “luật trên giấy”. Vụ việc nổi cộm xảy ra mươi năm lại đây là NXB lừng danh Gallimard dính líu và suýt bị chế tài do phát hành cuốn tiểu thuyết Rose Bonbon của tác giả Nicolas Jones-Gordin (in năm 2002). Để thu xếp vụ bê bối, đích thân ông Antoine Gallimard, cháu nội người sáng lập NXB và là đương kim Tổng giám đốc, phải cậy bà Teresa Gremisi, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất bản Flammarion cùng đi, một sáng thứ bảy tìm đến cổng sau Điện Élysées xin gặp riêng Tổng thống Nicolas Sarkozy. Tổng thống Pháp đồng ý “hỗ trợ” thu xếp với điều kiện cuốn Rose Bonbon phải được bọc trong bao ni lông kín, đề phòng trẻ em đến các hiệu sách rút sách từ trên giá xuống đọc chui, và cuốn tiểu thuyết ấy chỉ được phép bán cho người lớn tuổi.

Về mặt tư pháp. Tác giả và người chịu trách nhiệm xuất bản có thể bị khởi tố ra tòa án dân sự hoặc hình sự nếu tác phẩm công bố phạm một trong các điều luật xâm phạm đời tư người khác, làm tổn thương đạo đức xã hội, xúc phạm cơ quan công quyền, kích động kỳ thị chủng tộc, đặc biệt là công khai không thừa nhận sự kiện Đức quốc xã dùng khí độc tàn sát người Do Thái bị bắt và tập trung tại các trại giam trong thế chiến thứ hai (tiếng Pháp là négationnisme - tạm dịch “thuyết phủ định”, một từ mới có trong từ điển ngôn ngữ Pháp từ năm 1990). Bất kỳ một công dân hay tổ chức xã hội nào, và lẽ đương nhiên Viện Công tố, đều có quyền đứng ra yêu cầu tòa án khởi tố vụ việc. Như vậy, quyền xuất bản là hoàn toàn tự do, nhưng quyền tự do ấy ngưng lại khi đụng phải quyền tự do khác của người khác, vi phạm “đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”, như quy định tại Tuyên ngôn nhân quyền. Ông Paul Otchakovsky-Laurens, chuyên gia về văn học hiện đại, Giám đốc NXB mang tên ông P.O.L, sau khi kể lại một số vụ việc mà bản thân ông và đồng nghiệp từng gặp rắc rối với pháp luật, đã viết: “Trên thực tế NXB trở thành người làm ra cuốn sách (auteur - tác giả) được mình xuất bản, quảng bá với công chúng, và cũng sẽ là người đứng ra chịu trận nếu có chuyện gì xảy ra. Nhà văn làm ra cuốn sách từ bấy trở thành đồng lõa (complice) của người xuất bản, bởi tác giả đã đồng ý cho NXB công bố tác phẩm của mình(3).

Theo Daniel Cornu, nhà báo từng có chục năm làm chủ bút báo La Tribune de Genève (Diễn đàn Genève), tác giả nhiều công trình chuyên khảo về đạo đức học, hiện giảng dạy môn đạo đức báo chí, truyền thông tại Đại học Neuchâtel, Thụy Sĩ(4), cần phân biệt hai “danh mục” liên quan đến phạm trù quyền tự do và trách nhiệm xã hội. Trước hết, là quyền tự do sáng tạo của nhà văn hoặc nghệ sĩ thể hiện tại tác phẩm, ở đây người sáng tạo tự chịu trách nhiệm với riêng mình cho đến khi tác phẩm được công bố ra công chúng; thứ đến, quyền tự do và trách nhiệm của người đứng ra tổ chức việc xuất bản và quảng bá tác phẩm thông qua hình thức in ấn hoặc trưng bày, biểu diễn, công chiếu v.v... Bắt đầu từ thời điểm này, tác phẩm công bố có thể bị luật pháp cũng như công chúng thông qua báo chí, truyền thông xem xét, chế tài bất cứ lúc nào. Lẽ dĩ nhiên có sự kết nối thường xuyên giữa “hai danh mục” nêu trên, nói cách khác là luôn luôn có trách nhiệm liên đới giữa người sáng tạo ra tác phẩm và người xuất bản tác phẩm ấy.

Luật pháp Thụy Sĩ không quy định xuất bản phẩm phải nộp ba bản lưu chiểu như tại Pháp. Bù lại, khái niệm “ấn phẩm”, “sản phẩm ấn loát”, “xuất bản phẩm” (produit d’imprimerie) theo luật Thụy Sĩ rộng hơn, không chỉ riêng những tác phẩm thực hiện bằng phương pháp in typo, mà cả những sản phẩm in trên đá, tranh in theo phương pháp heliogravure (thuật in ảnh chìm), ảnh triển lãm, phim điện ảnh…, nói cách khác là tất cả những gì được nhân lên thành nhiều bản nhằm mục đích phục vụ công chúng rộng rãi với mục tiêu tinh thần nhất định. Như vậy, phạm vi chế tài của các quy định liên quan đến xuất bản phẩm tại Thụy Sĩ rộng hơn ở Pháp.

Việc xem xét một tác phẩm văn học, nghệ thuật có vi phạm đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp hay không, phức tạp hơn nhiều so với việc xử phạt về mặt hành chính hoặc tư pháp. Lý do là vấn đề mênh mông, lại tùy thuộc vào các quan điểm vốn rất khác biệt của người sáng tạo, người xuất bản, nhà báo, quan tòa, luật sư, người làm chứng và của công chúng, và đương nhiên không tách rời cuộc đấu tranh luôn sôi động giữa các niềm tin khác nhau, các nhóm lợi ích và các đảng phái trên chính trường. Nhằm mục đích buộc nhà văn chia sẻ trách nhiệm với người xuất bản, nhắc nhở người cầm bút thực hiện nghĩa vụ công dân theo đúng pháp luật, Luật xuất bản Pháp có quy định, hợp đồng ký kết giữa nhà văn và NXB về một tác phẩm sắp công bố, có điều khoản tại đó tác giả cam kết với NXB rằng tác phẩm của mình không chứa đựng bất cứ gì có thể gây rối đến “trật tự công cộng”, và bảo đảm sẽ không xảy ra chuyện lôi thôi. Cam kết như vậy có nghĩa là trong trường hợp tác phẩm có nội dung vi phạm và phải đưa ra tòa, tác giả sẽ cùng NXB ra hầu tòa và cùng chịu chung án phí cũng như gánh mọi hệ quả phát sinh do phán quyết của tòa án. NXB có thể không nêu điều khoản này đối với tác giả mình tin cậy, tức là bằng lòng tự mình thanh toán mọi chi phí phát sinh từ cuốn sách vi phạm, mặc dù vậy tác giả vẫn có thể bị khởi tố như thường với tư cách một công dân vi phạm luật.

Hai vấn đề gây rắc rối nhiều nhất cho các nhà văn và NXB tại Pháp và Thụy Sĩ khi bị khởi kiện, thông thường về dân sự, là nội dung tác phẩm phạm tội vu khống, xâm phạm danh dự và tên tuổi người khác, và tội xâm phạm đời sống riêng tư của công dân. Một khi các đương sự phải ra hầu tòa thì lẽ tất nhiên ở đâu cũng vậy, đều phiền toái, mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Paul Otchkovsky-Laurens, người xuất bản từng gặp nhiều vụ rắc rối trước tòa án Pháp và tòa án Thụy Sĩ, cho biết: “Có những vụ mình thua kiện song chẳng có gì phải hối tiếc, có khi còn lấy thế làm tự hào. Lưu lại kỷ niệm đau buồn nhất rốt cuộc là khoảnh khắc hạ bút ký tờ ngân phiếu nhờ ngân hàng chuyển số tiền kha khá đến tòa án trả án phí và bồi thường thiệt hại cho bên nguyên”.

Lẽ thường, một khi đương sự phải ra hầu tòa thì hệ quả không đơn giản làm thủng cái túi tiền. Trường hợp tác giả và NXB bị khởi tố hình sự về tội “kỳ thị” dưới mọi hình thức, và đặc biệt nghiêm khắc đối với những ai trót phạm “tội phủ định” (các tội ác của chủ nghĩa phát xít) theo cách hiểu vừa nói ở trên. “Kỳ thị” không đơn thuần về phân biệt chủng tộc, mà là một thuật ngữ có nội hàm rộng chỉ mọi biểu hiện xúc phạm người khác liên quan đến màu da, sắc tộc, quốc tịch của người đó, đến tôn giáo, giới tính, tập quán tình dục cũng như đến bệnh hoạn, khuyết tật về thể xác hoặc tâm thần mà một người không may mắc phải. Một trường hợp phạm tội “phủ định” nổi tiếng là vụ liên quan đến cuốn sách của triết gia, nhà lý luận lỗi lạc Pháp Roger Garaudy - sẽ đề cập ở dưới.

Sa vào vòng lao lý phiền toái đã đành, chịu sức ép của xã hội dù không phải hầu tòa còn nặng nề và ghê gớm hơn. Nhà văn Daniel de Roulet có thuật lại một số trường hợp dẫn đến cái chết của nhà văn, nhà báo sau sự kiện “bức tường Berlin sụp đổ” cách đây 25 năm, trong số đó có “hai nhà văn lớn nhất Thụy Sĩ sau chiến tranh thế giới thứ hai” là Durrematt và Max Frisch(5). Sự kết thúc cuộc đời của nhà báo, nhà văn Thụy Sĩ Niklaus Meienberg (1940-1993) thật bi thảm. Sau nhiều lần chịu o ép, bị khủng hoảng tinh thần, ông nuốt một lúc nhiều viên thuốc ngủ, rồi chui đầu vào một cái túi ni lông bịt kín, để từ đây chẳng còn phải hít thở bầu không khí ô nhiễm quá nặng nề của quê hương. Sự kiện này xảy ra ngày 27-9-1993 tại thành phố Zurich.

Liên bang Thụy Sĩ nổi tiếng toàn cầu với cảnh quan thiên nhiên hiếm có, kiến trúc đẹp tuyệt vời, môi trường sinh thái trong lành…, một nơi đáng sống dành cho những ai giàu có nhưng không phải là chốn thiên đường của tất cả mọi người.

Một số vụ việc tiêu biểu

1. Phạm tội “phủ định”. Một trường hợp nổi đình đám liên quan đến cuốn sách của Roger Garaudy (1913-2011), chính khách, triết gia và nhà văn Pháp. Ông là một nhà trí thức lớn, vào Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1933. Tham gia kháng chiến chống phát xít Đức từ đầu (1939), bị bắt và đày sang Bắc Phi. Sau chiến tranh, ông là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, Đại biểu Quốc hội, Thượng nghị sĩ... Luận văn tiến sĩ ông bảo vệ tại Đại học Sorbonne, Paris, chủ đề là Lý thuyết duy vật chủ nghĩa về nhận thức luận (1953). Ông là tác giả hàng loạt tác phẩm lý luận nổi tiếng. Những công trình như: Chủ nghĩa cộng sản và sự phục hưng văn hóa Pháp (1945), Cống hiến lịch sử của nền văn minh A Rập (1946), Những nguồn gốc Pháp của chủ nghĩa xã hội khoa học (1948) được đánh giá cao không riêng tại Pháp. Từng giảng dạy tại Đại học Clermont-Ferrand và Đại học Poitiers (Pháp), Chủ nhiệm nguyệt san Cahiers du communisme (Tập san Chủ nghĩa Cộng sản), cơ quan lý luận trung ương của Đảng Cộng sản Pháp. Roger Garaudy cũng có sáng tác văn học, đoạt Giải thưởng Les Deux Magots về tiểu thuyết.

Con người lỗi lạc ấy bỗng dưng rời bỏ Đảng Cộng sản và niềm tin cố hữu của mình, quy y Hồi giáo, cho xuất bản công trình nghiên cứu Các huyền thoại tạo nên nền chính trị Israel (in năm 1995, tái bản 1996, dịch ra tiếng Anh năm 2000), tại đó ông gay gắt tới mức đặt ngang hàng chủ nghĩa Do Thái với chủ nghĩa phát xít. Báo chí phanh phui, tác giả bị khởi tố và xét xử tại Tòa hình sự năm 1998. Ông bị kết án về tội phủ nhận các tội ác chống nhân loại của Đức quốc xã (négationnisme), kỳ thị chủng tộc, vu khống cá nhân v.v... Ông kháng án lên Tòa phúc thẩm, rồi Tòa giám đốc thẩm nhưng đều thua kiện, thậm chí còn bị buộc thêm tội danh. Vụ việc được ông đưa lên Tòa án châu Âu về quyền con người. Một lần nữa, đơn kháng án của ông bị Tòa án châu Âu bác bỏ (2003). Luật pháp là luật pháp. Ông lĩnh án nặng. Cuối cùng, có lẽ tại thương ông lão quá già nua (lúc này đã trên 90 tuổi) mà vẫn phải đáo tụng đình, và chiếu cố nhân thân (Huân chương Kháng chiến, Huy chương chiến sĩ chống phát xít bị tù đày…) ông được miễn không phải thi hành án(6).

2. Làm tổn thương thuần phong mỹ tục. Nhà thơ, nhà văn Bernard Noël, năm nay 83 tuổi, là một tên tuổi lớn của văn học Pháp đương đại. Ngoài làm thơ và viết tiểu thuyết, ông còn viết tiểu luận, phê bình văn học.

Năm 1958, công bố tập thơ đầu tay, Bernard Noël nhận được sự ngợi khen nhiệt liệt của nhiều ngôi sao thời ấy như thi hào Louis Aragon (1897-1982), nhà phê bình văn học Maurice Blanchot (1907-2003)… Tính đến nay, ông đã xuất bản hơn 80 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, và đoạt nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng lớn quốc gia về thơ của Pháp (1992), gần đây nhất là Giải quốc tế về thơ mang tên Gabriele d’Annunzia của Ý (2011).

Năm 1969, ông dính vòng lao lý về tội làm tổn thương thuần phong mỹ tục khi cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Le Château de Cène (Lâu đài Cène) dưới bút danh Urbain d’Orlhac, tại NXB Martineau. Cảnh sát phát hiện Urbain d’Orlhac chẳng ai khác hơn là nhà thơ Bernard Noël, và khởi tố ông về tội truyền bá văn chương khiêu dâm, đồi trụy.

Hơn 200 nhà văn, nhà báo, trí thức Pháp đã ký vào đơn xin xem xét lại trường hợp này. Dù vậy, Bernard Noël vẫn bị kết án nặng. Phải chờ mấy năm sau, nhân dịp ông Valéry Giscard d’ Estaing đắc cử tổng thống Pháp, mới được ân xá.

3. Vu khống, xúc phạm danh dự, xâm phạm đời tư người khác, kích thích bạo lực. Năm 1998, NXB P.O.L. phát hành cuốn Le Procès de Jean-Marie Le Pen (Vụ án Jean-Marie Le Pen) của Mathieu Lindon.

J-M. Le Pen là lãnh tụ đảng cực hữu ở Pháp mang tên “Mặt trận Dân tộc”. Quan điểm của Le Pen bị cho là gần với quan điểm của Đức quốc xã trước đây, rất kỳ thị đối với người nước khác nhập cư. Vậy mà đảng của ông vẫn giành được một số kha khá cử tri Pháp. Tại cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống năm 2002, ông đánh bại lãnh tụ đảng xã hội, đương kim Thủ tướng Pháp Lionel Jospin, người mà các cuộc thăm dò dư luận cầm chắc sẽ lên làm tổng thống Pháp thay Jacques Chirac. Không ngờ lãnh đạo đảng cực hữu lọt vào vòng 2, trong khi lãnh tụ đảng xã hội, đương kim thủ tướng đứng đầu một chính phủ thiên tả được coi có tuổi thọ lâu dài nhất chế độ Cộng hòa thứ V, bị loại khỏi cuộc đua. Các nhà bình luận chính trị gọi sự kiện ấy là “cơn địa chấn năm 2002”.

Mathieu Lindon, sinh năm 1955, là nhà văn, nhà báo Pháp. Ông làm việc tại tuần báo thiên tả Le Nouvel Observateur, trước khi chuyển sang nhật báo trung hữu Libération giữ chuyên mục phê bình văn học. Năm 1987, một cuốn tiểu thuyết của ông kể về các vụ cưỡng dâm và bạo hành của các thiếu niên say tình đã từng bị Bộ Nội vụ Pháp ra lệnh cấm phát hành, sau đó rút lui quyết định. Sở dĩ có bước ngoặt này, theo Paul Otchkovsky-Laurens, là sự việc xảy ra đúng vào dịp Ngày hội Sách ở Pháp. Nhiều nhà văn, trí thức, nhà báo Pháp cùng lên tiếng phản đối biện pháp chế tài quá khắt khe của nhà chức trách.

Thực chất đằng sau là sự đối đầu giữa đương kim Bộ trưởng Văn hóa François Léotard chống Bộ trưởng Nội vụ Charles Pasqua, buộc ông này phải tạm thời lùi bước.

Lần này, tại cuốn tiểu thuyết mới của Mathieu Lindon - được nhiều người đánh giá cao về giá trị văn chương - nhà lãnh đạo cực hữu Jean-Marie Le Pen xuất hiện với tư cách một nhân vật. Cuốn sách dựa theo một sự kiện thời sự được dư luận quan tâm. Có một thanh niên người Bắc Phi nhập cư vào thành phố Marseille, Pháp, gây gổ với một thanh niên khác đang dán tranh cổ động ủng hộ Jean-Marie Le Pen, mà nội dung chính kêu gọi cần có biện pháp khắt khe hơn đối với những người nhập cư. Lời qua tiếng lại, chàng trai nhập cư bị người dán tranh cổ động của phe cực hữu giết chết. Một luật sư vốn có quan điểm chính trị thiên tả, người gốc Do Thái, quyết định đứng ra bảo vệ kẻ giết người tại phiên tòa, trước sự kinh ngạc của bạn bè và người thân trong gia đình ông. Mục đích của luật sư là tìm cách chứng minh kẻ sát nhân đích thực là trong vụ này là nhà lãnh đạo đảng cực hữu Jean-Marie Le Pen. Sở dĩ chàng trai dán tranh cổ động phạm tội giết người là do Le Pen quảng bá những ý tưởng của ông hô hào kỳ thị chủng tộc.

Người chịu trách nhiệm xuất bản tác phẩm, ông Paul Otchakovsky-Laurens và cũng là bạn thân của tác giả Mathieu Lindon, quả quyết tác giả cuốn tiểu thuyết không nhằm mục đích đả kích cá nhân chính khách J-M. Le Pen - việc này đã có báo chí làm thường xuyên và mãnh liệt hơn - mà là muốn chứng minh những người chống đối J-M. Le Pen không ngang tầm thực tiễn.

Jean-Marie Le Pen khởi kiện tác giả và nhà xuất bản cuốn sách về tội vu khống, xúc phạm danh dự, xâm phạm đời tư, kích thích bạo lực... Tại các phiên tòa xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm, nhà văn và NXB đều thua kiện, cho dù lần này cũng được nhiều nhà văn, nhà báo và trí thức Pháp lên tiếng ủng hộ. Một lần nữa, luật pháp là luật pháp. Năm 2002, tác giả Mathieu Lindon, Giám đốc NXB Paul Otchakovsky-Laurens và nhà báo Serge July, một sáng lập viên nhật báo Libération, cùng đứng tên nêu vụ việc tại Tòa án châu Âu về quyền con người, với lý do quyết định của Tòa án Pháp vi phạm quyền tự do biểu đạt của công dân. Tòa án châu Âu phán quyết, những lý do mà những người kháng cáo nêu lên là không có cơ sở, và thực tế cuốn tiểu thuyết của tác giả Mathieu Lindon có hàm chứa nội dung khơi gợi bạo lực và hận thù.

Lãnh tụ đảng cực hữu thắng kiện.

Một lần nữa, Giám đốc NXB P.O.L. lại phải cắn răng ký tấm ngân phiếu chuyển trả mấy lần án phí và tiền bồi thường danh dự cho nguyên đơn.

Tháng 10-2014



__Ghi chú___

(1) Xem Patrick Stoudmann, Les restrictions au droit d’écrire et de publier en droit suisse (Những quy định hạn chế quyền viết văn và xuất bản theo luật Thụy Sĩ). Ông Patrick Stoudman, luật sư, thẩm phán tòa án, giảng dạy về Luật hiến định tại Khoa Luật, Đại học Lausanne, Thụy Sĩ - stoud@bluewin.ch

(2) Maurice Girodias (1919 - 1990) là nhà văn, sáng lập Nhà xuất bản Editions du Chêne (1941) và The Olympia Press (1953). Cha ông, một người gốc Anh định cư tại Paris từ đầu thế kỷ 20 cũng kinh doanh ngành xuất bản.

(3) Xem La responsabilité de l’éditeur (Trách nhiệm của người xuất bản), 2007 - www.pol.editeur.fr

(4) Xem Daniel Cornu, Le critique, l’auteur, le public - sur la déontologie du journalisme littéraire (Nhà phê bình, tác giả, công chúng - bàn về đạo đức của báo chí phê bình văn học) - daniel.cornu@edipresse.ch

(5) Nhà văn Daniel de Roulet, sinh năm 1944 tại Genève, hiện sống tại Pháp. Xuất thân kiến trúc sư, ông chuyển sang nghề văn từ 1977. Tất cả các tác phẩm của ông viết bằng tiếng Pháp đều được dịch sang tiếng Đức. Sách của ông cũng in tại New York, Alger và Hà Lan. Tác phẩm mới xuất bản gần nhất là Le Demantèlement du Coeur, 2014. 
Tư liệu về nhà văn, nhà báo Niklaus Meienberg rút từ tiểu luận của ông: Le journalisme aime la morale, la littérature préfère l’ironie (Báo chí thích thuyết đạo lý, văn học chuộng giọng mỉa mai), NXB Labor et Fides, Genève, 2007.

(6)Wikipedia.


Tác giả: Phan Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.