Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

GIẢI OAN HAY GIẢI NGÂN ?


 “Khen ai khéo vẽ Đèn cù,
Giải thiêng thì ít, giải ngu thì nhiều”.
                        Tụng ca 5 – Thiên lý
                ----------------

GIẢI OAN HAY GIẢI NGÂN?

Cứ như lời ông Trần Đĩnh trần tình trên BBC, rằng “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi” thì có lẽ Đèn Cù được ông viết ra, trước hết nhằm mục đích “giải oan” cho ông thì phải.
Ông Đĩnh kêu “oan” với ai?
Chương 48: “Chắc thấy chúng tôi phản chiến là xót cho cả máu Mỹ - chứ không nghĩ chúng tôi là tay sai của Liên Xô, kẻ thù số một của Mỹ, một buổi sáng tháng chín gì đó năm 1998, một tham tán văn hoá đại sứ quán Mỹ - tức chính quyền Mỹ - đã lần đầu tiên thanh thiên bạch nhật tại trung tâm Hà Nội bất ngờ đến bắt tay một chàng xét lại Việt Nam - chàng ấy là tôi: “Chúng tôi biết ông là thế nào nhưng không tiện gặp, chắc ông hiểu…”. Sau đó giới thiệu nhà báo Mỹ gặp phỏng vấn”.
Hãy để ý những chỗ được Trần Đĩnh nhấn mạnh: "chính quyền Mỹ" hẳn hoi nhá - đã "lần đầu tiên" - lại còn giữa "thanh thiên bạch nhật" - bắt tay ông Trần Đĩnh cơ đấy! Ghê chưa? Là vì ông "xót cho cả máu Mỹ"!
Như vậy, đối tượng đầu tiên ông nhắm tới “kêu oan” là người Mỹ, rằng thì là ông không phải là “xét lại” ông chỉ “phản chiến”, vì ông “xót cho cả máu Mỹ”. Bằng chứng là ông đã “không có lời nào chửi Mỹ”, ngay cả khi ông phải ngồi trong hầm tránh bom để viết Bất Khuất, và ngoài kia thì vợ con ông phải đi sơ tán vì bom Mỹ.
Mặc kệ, Khâm Thiên, nơi có những người hàng xóm với ông, ông không hề "chửi Mỹ":



Hay một nơi nào đó xa hơn một chút, như thế này, ông vẫn không chửi Mỹ:



Tôi không rõ rằng có người Mỹ nào đã đọc Bất Khuất hay Đèn Cù để “ngộ” ra cái điều là ông Trần Đĩnh “không hề chửi Mỹ” và “xót cho cả máu Mỹ” hay không, nhưng tôi biết, vào năm 1968, khi mà ông Đĩnh đang nhấm nháp hào quang hưởng ké từ cuốn Bất Khuất, ngay trên đường phố Hà Nội, “đi đường vẫn thấy người ở trên hè thân thiện chỉ vào tôi cười nói gì với nhau. Kiểu như phụ nữ chân dài, vòng một khủng bây giờ” (chương 25) thì cùng lúc ấy, ở Mỹ Lai, nhiều lính Mỹ đang xả súng bắn giết trẻ em và dân thường, cưỡng hiếp và xẻo vú phụ nữ.
 “ Một số binh sĩ của Đại đội Charlie sau này đã khai rằng Đại úy Ernest Medina ra lệnh cho họ giết tất cả những người dân “khả nghi”, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già v.v. họ đốt làng, phá hủy lương thực và đầu độc giếng nước.
Trả lời phỏng vấn BBC News Anh ngữ tháng 3 năm 2008, sĩ quan Celina Dunlop tự thú: “Đa phần lính trong đơn vị tôi không coi người Việt Nam là loài người.”. "I would say that most people in our company didn't consider the Vietnamese human". Celina Dunlop, "My Lai: Legacy of a massacre", BBC News, fetched 16th March 2008”.
Và, bất chấp việc ông Đĩnh có “xót máu Mỹ” và “chửi Mỹ” hay không, những lính Mỹ kia đã giết, không hề “xót”, thậm chí đã không hề “coi người Việt Nam là người”.

Kệ, Mỹ Lai xa lắm, ông Trần Đĩnh lại càng không "chửi Mỹ".(Ảnh do Cựu phóng viên Ronald Haeberle chụp).
Vì vậy, ông Đĩnh càng cố “kêu oan” với người Mỹ theo kiểu “tôi không chửi các ngài”, thì càng lại có nhiều người (cả Mỹ lẫn ta), sẽ lại càng không muốn coi ông Đĩnh là người.
Đối tượng thứ hai mà ông Đĩnh muốn “kêu oan” là giới chống Cộng ở hải ngoại:
"Có lẽ trong những người phản đối cộng sản, có một số rất ghét xét lại chúng tôi vì là “tay sai Liên Xô”. Họ nghe Đảng nên không hiểu là do kiên trì phản đối nội chiến, chúng tôi đã bị khép tội chống Đảng, phản động trong bóng tối bí mật bao la của Đảng. Câu nói khá công khai của Trần Châu, anh tôi: “Chiến tranh đau khổ thì dân nổi dậy lật đổ” đã là một trong mấy bằng chứng quan trọng để Việt Cộng lập vụ án chống Đảng lật đổ lẫy lừng trong đảng sử. Lúc đó với chúng tôi, đào đâu ra Human Right Watch, ra Internet, ra Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết đòi Việt Nam tôn trọng nhân quyền, đào đâu ra các thứ blogs ngày ngày đòi thả chúng tôi v.v…" (chương 37)
Đến đây thì ông Đĩnh đã lờ tịt cái chuyện “xót cho cả máu Mỹ” (là một bên gây chiến) rồi, chỉ còn “ta với ta” thôi, cho nên để các bác, các cụ cựu cán binh Cờ Vàng đỡ tủi thân, thì ông phải là “phản đối nội chiến”, chứ không phải chỉ “phản đối chiến tranh” bình thường nữa.  
Thực ra ông có bị bắt ngày nào đâu mà “đòi thả chúng tôi”, chỗ này ông Đĩnh lại  “dây máu ăn phần”!
Thôi cứ tạm tin là Trần Châu, anh ông Đĩnh còn nói được một câu “chiến tranh đau khổ ...” như trên, để “phản chiến”, rồi phải “trả giá” bằng tù tội (thực ra ông này bị bắt về tội tuồn tài liệu mật cho nước ngoài). Nhưng còn ông Đĩnh, ông đã có hành động gì để bảo là “chúng tôi” “kiên trì phản đối nội chiến”?
Thì đấy, Đảng cần ra cuốn Bất Khuất, thì ông “kiên trì” viết Bất Khuất, Đảng cần “phát động thanh niên và quân đội...đề cao tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, hăng hái lên đường vào chiến trường”, thì ông “kiên trì” “phát động”, “đề cao”.
Và ông đã “kiên trì” tới mãi tận hơn một năm sau ngày kết thúc cuộc “nội chiến”, tức là tới tận khi ông bị khai trừ Đảng vào 1976. Tất nhiên là “kiên trì” của ông Đĩnh ở đây là “kiên trì” sinh hoạt Đảng, "kiên trì" “nghe truyền đạt những thông tin quan trọng và bí mật của Đảng”. Và “kiên trì”chờ mọt xác mới được tăng lương” (Chương 37)
Ai tin ông Đĩnh “kiên trì phản đối nội chiến” thì tin, chứ “các cụ” Cờ Vàng (nhất là các cụ đã nghe nói tới Bất Khuất chứ chưa cần đọc) mà còn tin, thì, (xin phép tạm ngưng “hòa giải hòa hợp” để nói thật với “các cụ” một phát), là “các cụ” ngu còn hơn bò. Loài bò nếu biết đọc chắc cũng phản đối tôi vì đã mượn chúng để so với “các cụ”.
Vậy thì việc dùng Đèn Cù để “giải oan” của Trần Đĩnh chả có tác dụng gì với người Mỹ cũ mới và xác thối Cờ Vàng, vì cái “oan” của ông, chính họ cũng biết là do ông làm “màu”, nên gọi là “oan Thị Màu” là chẳng “oan” tẹo nào.
Nhưng đọc tới câu chờ “mọt xác mới được tăng lương” ở trên thì ta biết, đằng sau việc “giải oan”, ông Trần Đĩnh bây giờ thiết tha mong được “giải ngân”, vì có khi từ 1976 đến giờ ông chưa được tăng lương, mà cái xác ông thì nó vẫn chưa chịu "mọt". “Giải ngân”, chứ không phải “giải oan”, mới là cái mà ông cần ở các ông bà cựu Cờ Vàng và cả các ông Mỹ.
25 USD một cuốn, đó cũng là lý do để Đèn Cù được phát hành ở Người Việt, nơi đỡ đầu các tác phẩm thuộc thể loại “giải ngân” như “Bên thắng cuộc” của Huy Đức hay “Thằng hèn” của Tô Hải.
Đã là việc “giải ngân” của “các cụ” như Trần Đĩnh hay Tô Hải, thì tôi xin lăng xăng giúp một tay gõ phím. Thôi thì, xin các ông các bà các bác các cụ các anh các chị bớt chút bạc lẻ, rủ lòng thương cái thân mọt già của ông Trần Đĩnh vậy.

GIẢI THIÊNG HAY GIẢI NGU

... Đã là việc “giải ngân” của “các cụ” như Trần Đĩnh hay Tô Hải, thì tôi xin lăng xăng giúp một tay gõ phím. Thôi thì, xin các ông các bà các bác các cụ các anh các chị bớt chút bạc lẻ, rủ lòng thương cái thân mọt già của ông Trần Đĩnh vậy...
--------------
Giải thiêng?
Nhưng muốn các ông các bà các bác các cụ các anh các chị Cờ Vàng tòi ra được chút bạc lẻ thì “tác phẩm” của ông Trần Đĩnh phải có cái gì đó “hạ bệ thần tượng” cộng sản mới được. Tức là phải có “giải thiêng”, và nếu lại là “giải thiêng” Cụ Hồ thì “ăn tiền” nhất.
Đèn Cù “giải thiêng” Cụ Hồ ra sao?
Xin nêu lại hai “chuyện lớn”:
-         Chuyện Cụ Hồ đi xem đấu tố ở Đồng Bẩm
Chi tiết này đã được nói đến ở đây. Chỉ trong một đoạn văn khoảng  mươi dòng, Trần Đĩnh đã để lộ ra cả seri những chi tiết mâu thuẫn với nhau. Ví dụ câu đầu “Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật” nhưng câu áp cuối lại “báo chí không dự đấu là vì giữ bí mật”; và câu trước đã “ngại Đồng Bẩm cách Hà Nội có vài chục cây số đường chim bay, Pháp có thể nhảy dù xuống đó” thế mà câu sau “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”, thì hóa ra hai vị lãnh tụ Việt Minh chỉ cần bịt râu, đeo kính là chả việc gì phải sợ Pháp nhảy dù (?).
Nhưng đến câu cuối thì chính “nhà báo” Trần Đĩnh đã thừa nhận là đã khai thác tin (bằng cách pha phách thêm nếm, chữ của ông), mà nguồn tin lại... từ một anh đầu bếp. Vậy thì chả có gì đáng tin cậy.
-         Chuyện Phan Kế An vẽ Cụ Hồ, “một chiều về sớm”...
Đoạn văn Trần Đĩnh bịa chuyện "gặp" Phan Kế An “một chiều về sớm” thì cũng đã được bóc mẽ kỹ lưỡng  ở đây, nay chỉ xin nhắc lại là thời điểm Phan Kế An vẽ Cụ Hồ là cuối 1948, trong thời gian khoảng 3 tuần. Còn Trần Đĩnh mãi đến đầu năm 1949 mới về An toàn khu, do đó, nếu có "gặp" Phan Kế An, thì cũng không thể ở thời điểm An vẽ Cụ Hồ.
Dưới đây bổ sung thêm một trong những bức tranh Phan Kế An vẽ Cụ Hồ lúc đó, tranh này sau đã được chính Cụ chọn để in trên báo Sự thật. (Ảnh chép lại từ blog Giao). Trên một vài bài báo, Phan Kế An đã kể về bức tranh này và khen tài anh thợ khắc của báo Sự thật, chuyển từ ký họa sang bản khắc mà vẫn giữ lại được trọn vẹn đường nét của họa sĩ.



Tranh Phan Kế An vẽ Cụ Hồ tại Việt Bắc, trên bức tranh ghi rõ thời điểm hoàn thành là 27/11/1948, khi mà Trần Đĩnh chưa hề đặt chân đến ATK.
Ngoài ra, ở một vài chỗ khác:
-      Cụ Hồ nói đùa, thay vì “muôn năm”, thì cụ nói “muốn nằm”; Cụ bảo “già” chỗ nọ, “trẻ” chỗ kia...
-         Cụ Hồ tỏ thái độ thương tiếc khi Stalin mất;
-      Cụ Hồ biết tiếng Khách gia, thông thạo Móng Cái, làm cho Trần Đĩnh “ngờ ngợ”, Cụ có bồ?.
Như vậy có hai chi tiết khả dĩ "giải thiêng" được, thì lại bất khả tín, còn lại, Đèn Cù toàn nhắm vào những chỗ tủn mủn mà "giải thiệng" cả. Thành ra khó có thể đáp ứng với kỳ vọng của các bác cựu Cờ Vàng hải ngoại và cả đám dân chủ giả cầy trong nước.
Thật ra tôi cho rằng việc “giải thiêng” hay còn gọi là “hạ bệ thần tượng” của Đèn Cù chẳng qua là việc ngoài ý muốn của Trần Đĩnh mà thôi, hoặc do các bác kia vì quá kỳ vọng vào việc "giải thiêng" mà sinh ra ảo tưởng.
Xin hãy đọc lại những đoạn Trần Đĩnh viết về Cụ Hồ, khi đó ngòi bút Trần Đĩnh viết đầy cảm xúc, với lãnh tụ, như con với cha, làm cho ta lại càng thêm thương, thêm yêu quý Cụ Hồ, (hơi dài, mong các bác chịu khó đọc hết, rất cảm động):  
“Cụ bảo hai công an Trung Quốc ở đầu cầu bên kia gọi huyện uỷ Đông Hưng ra gặp Hú puổ puồ (Hồ bá bá) rồi ngồi phệt xuống vệ đường lượn thoai thoải ở chân cầu. Loáng sau, một xe đầy phè huyện uỷ Đông Hưng phóng như bay ra. Ông Cụ bảo tôi:
- Bác hỏi kinh nghiệm nông nghiệp, họ nói sao, chú ghi lại cho Bác.
Trưa, Vũ Kỳ, Nguyễn Chánh, Nhữ Thế Bảo, bác sĩ riêng của Bác, Đinh Đăng Định nhiếp ảnh gia và tôi sang Đông Hưng, cái thị trấn mọi nhà im ỉm đóng. Dân đi lao động ở đồng ruộng hết. Vào vườn hoa có mỗi con gấu đói lờ đờ ngủ gật. Nguyễn Chánh kể một hôm qua một cây cầu gỗ bập bênh, Bác bị đầu ván cầu quật phải chân bong mất móng ngón cái.
Bác hỏi bảo vệ đi cùng ai có thuốc lào cho một nắm, nhất định không thuốc đỏ thuốc đen gì. Miệng nói cái móng này nó chết từ 1924, nay mới chịu rời Bác đây. Ngày ấy Cụ xếp hàng cả ngày chờ vào viếng Lê-nin mà không ủng không bít tất len, chân lạnh quá xưng tấy lên và chết mất một cái móng…
Xẩm tối hôm sau Cụ về Hà Nội. Chúng tôi ra sân bay tiễn.
Trong bóng tối lờ mờ xứ địa đầu, chiếc máy bay lên thẳng bé như một chiếc lồng chim quý mà các kính cửa lấp loá như nước trong cóng sứ. Sắp lên máy bay, Cụ dừng lại hỏi tôi:
-         Có muốn về với cô ấy không? Tối thứ bảy mà. Muốn về Bác cho bám càng này… Nào!
Cười thú vị quặp can vào nách lên máy bay, hai tai lồng bồng trắng hai cục bông to tướng…”
...
“Ít lâu sau đi Lạng Sơn.
Chúng tôi lên chiều hôm trước. Tinh mơ sau, ra sân bay đón thì được cấp báo thời tiết xấu, Bác lên đường bộ. Chúng tôi bèn quay ngay ra Đường 1. Một trung đoàn lập tức được rải ra từ Bắc Giang lên thị xã Lạng Sơn.
Khoảng tám giờ sáng, Cụ đến tỉnh uỷ. Vừa đặt chân lên hiên văn phòng, Cụ hỏi luôn “có được điện báo không? Đồng bào đâu?”
-         Dạ, đồng bào ở sân vận động, - Bí thư tỉnh nói. -  Sao không cho đồng bào tạm giải tán? (Giọng bắt đầu gắt, mặt nhăn lại). Đồng bào còn phải ăn phải nghỉ chứ?
-         Dạ thưa Bác đã chuẩn bị đủ cả.
-         Nhưng còn ỉa đái? (Giọng sẵng bẳn hẳn lên). Thôi đi…
Bụi đỏ trên trán lăn nhanh xuống má, vào chòm râu như những sinh vật, những dã tràng đỏ sợ hãi lẩn trốn, tôi thầm nghĩ. Tay Cụ vơ lấy chiếc khăn mặt ướt Vũ Kỳ vừa nhúng vào thau nước vẫn chờ cạnh đó lau vội một vòng lên mặt rồi vội vã đi ra sân vận động.
Trên lễ đài ván gỗ rất rộng mới dựng, đúng ba người: Cụ, Chu Văn Tấn và tôi lui lại đằng sau. Cụ đằng trước đầy kín bà con ở toàn tỉnh vượt núi non sông suối về. Tôi chợt thấy từ ngày 7-3-1946 đến nay, mười bốn năm trời, về khoảng cách không gian, tôi chỉ gần Cụ hơn có một bước hợp pháp so với cậu thiếu niên lần đầu tiên ở sau Cụ là tôi. Hôm ấy Hải Rỗ Bát Đàn và tôi leo hông Nhà hát lớn vào đứng ngay sau lưng Cụ đang ở ban công giải thích Hiệp định 6 tháng 3 với nhân dân Hà Nội mít tinh kín quảng trường bên dưới. Quân Pháp sẽ vào Hà Nội. Nhiều người thắc mắc, thậm chí phản đối Cụ ký. Thép Mới sau này bảo tôi, Trần Huy Liệu lúc ấy nói với Cụ rằng sợ ăn cứt như Câu Tiễn cũng không được độc lập… Cụ giơ một tay lên hạ mạnh xuống như chém không khí nói: “Hồ Chí Minh chết thì chết chứ không bán nước!”. Cánh tay kia cầm chiếc can và chiếc mũ cát kaki buông thõng bên người nom tự nhiên côi cút lạ lùng. Tôi cảm thấy có nước mắt nghẹn ngào trong tiếng nói trọ trẹ thoáng run run của Ông Cụ.
Bây giờ trên lễ đài này, tôi hết cảm giác ấy. Dân nay là con, cha già là Bác. Và tôi cảm động, cho đó là xoay vần tất nhiên theo tiến bộ của cách mạng. Giữa chừng mít tinh, trời thình lình đổ mưa sầm sập rất to. Chu Văn Tấn xòe ô ra che cho Cụ. Cụ gạt đi. Tấn lại dấn ô vào. Cụ hơi gắt: “Còn đồng bào”. Tấn giậm mạnh chân, cao giọng lại:
-         Bác khác!
Nhưng phải giải tán.
Xuống khỏi lễ đài ra cửa sân vận động thì mưa tạnh. Xe lăn bánh liền phải dừng lại: dân nhao nhao xúm đến đen đặc quanh xe. Mấy anh bảo vệ và tôi leo lên nắp mũi xe, tựa vào kính chắn gió, lấy tay lấy chân khoả gạt người ra rẽ lối. Tôi ngoái lại sau: Cụ chống can hơi chúi đầu về trước, con mắt lo lắng, bồn chồn. Cụ sợ đồng bào xéo lên nhau chết như dạo ở Thái Bình? Hay Cụ sợ một quả lựu đạn phát nổ? Nhìn Cụ tôi bất giác nghĩ tới khả năng ấy. Và chợt gặp lại vẻ côi cút ở cánh tay Cụ buông thõng cầm mũ và can, cái ngày mới độc lập chừng sáu tháng, dân còn được coi như bố mẹ đang xét nét đứa con lưu vong lâu quá mới trở về. Lần này là côi cút trong mắt Cụ”.
...
“Chuyến đi Mỹ Đức, Ứng Hoà - Hà Đông hoàn toàn “đột kích”. Xe vừa ra khỏi Cổng Đỏ rẽ lên Hoàng Hoa Thám, Vũ Kỳ cười bảo:
- Hôm nay cánh bảo vệ rông đi tìm Bác phải biết đây.
Cụ đi bộ rất nhanh. Phải rảo cẳng mới kịp Cụ. Đảo hết khoanh đồng này sang khoanh đồng kia. Đang cữ làm cỏ, tát nước. Những tràn ruộng đang phơi ải. Cụ tát nước với một tổ đổi công. Mới chỉ mon men làm thử vài điểm hợp tác xã. Đằng xa xanh thẳm một nền truyền kỳ dãy núi Chùa Hương.
- Mỹ Đức, Ứng Hoà là gì? - Cụ hỏi bà con rồi nói luôn. - Là sống tốt, đoàn kết tốt, lao động tốt.
Xe quay đầu về. Dân tíu tít chạy theo đen ngòm chân đê, sườn đê, mặt đê, các tràn ruộng…”
Chợt tôi khựng người. Trên một thửa ruộng ải, Trần Châu tay sổ, tay nhặt dép tụt đang ngửng lên cười. Cười với một cái gì rạng rỡ ở cao hơn nữa, ở xa hơn nữa. Tôi né vào sau Vũ Kỳ và Vũ Đường, Chủ tịch Hà Đông đang mải trêu Cục trưởng bảo vệ Kháng “hai phòng” ngồi cạnh lái xe”.
...
“Một sáng Cụ gọi đám nhà báo phục vụ đại hội ra chụp ảnh. Đã đứng đâu vào đấy, Cụ chợt đi vòng ra đằng sau, tóm tay Văn Doãn, Tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân kéo lên: “Đã lùn lại đi nấp”. Bức ảnh này mọi người ha hả cười là nhờ cái pha Văn Doãn bị Cụ lôi ra ánh sáng.”
Một cách công bằng với Trần Đĩnh, thì nên đọc và đặt lên bàn cân phần “giải thiêng” của Đèn Cù bên cạnh phần làm cho người đọc thêm yêu thêm kính phục Cụ Hồ (và cả Trường Chinh), để hiểu các nhà dân chủ cuội và đám lưu vong Cờ Vàng sẽ phải thất vọng thế nào với việc “giải thiêng” của Trần Đĩnh trong Đèn Cù. Vì Trần Đĩnh mà cứ “giải” hay, “giải” xúc động thế này, thì chỉ có tác dụng ngược, tức là càng “giải” thì (Cụ Hồ) càng “thiêng”. Hoan hô Trần Đĩnh!
(Nhân đây, tôi có vài lời góp ý về phương pháp “hạ bệ thần tượng”, với các nhà “giải thiêng” và các cổ động viên kiêm ông chủ của “họ”.
Đó là, để “hạ bệ thần tượng” thì các vị nên tập trung nhọ nồi, búa, kìm, dao, kéo, thuốc nổ vào ngay chỗ vị trí cái đầu của “thần tượng” ấy, tức là xem xét lý tưởng, tư tưởng, đạo đức của “thần tượng” thế nào, có gì xấu xa, phản dân hại nước hay không. Chứ lâu nay các vị cứ  kiên trì “hạ bệ” theo kiểu nhòm qua ống quần, thấy “một đám nâu nâu hồng hồng” rồi vỗ tay hô hoán rằng “thần tượng” cũng có ...dái, thì ... có mà đến mạt kiếp các vị cũng chẳng đạt được mục đích).
Tóm lại, Đèn Cù đã “giải oan” không có hiệu quả, lại càng không có tác dụng “giải thiêng”. Vì thế việc “giải ngân” của ông Trần Đĩnh rất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Tôi thật lòng ái ngại cho ông!
Thế nhưng, thật bất ngờ là Đèn Cù lại có một công dụng tuyệt vời khác, ngoài mong đợi của Trần Đĩnh, đó là...
Giải ngu! Ơ rê ka!
Thú thực, người bất ngờ phát hiện ra Đèn Cù có tác dụng giải ngu cực kỳ công hiệu không phải là tôi, mà là ông Hà Văn Thịnh, một giáo sư đại học Huế thì phải.
“Đèn Cù soi tỏ u mê”, đó là tựa đề bài viết của ông Thịnh đăng trên blog Quê choa, ngày 27/9/2014.
Lúc đầu, mắt nhắm mắt mở đọc cái nhan đề lớt phớt, thấy có “đèn” và lại có “u”, tôi cứ tưởng là ông Thịnh đang mắc phải căn bệnh K (khối u), và ông dùng đèn cù để nội soi.
Hóa ra không phải, bệnh ông Thịnh trầm trọng hơn ung thư nhiều, mặc dù nó cũng là khối u, u não hẳn hoi. Nhưng không phải u thường, mà lại là “u mê”, thế mới hỏng. Loại u này thì dẫu cụ Hải thượng Lãn ông có tái thế cũng đành thaythuocbotay.com.
Thầy chạy, cứ tưởng đã hết thuốc chữa, thì phước ba đời nhà ông Thịnh, ông bỗng vớ được "thần dược", là cuốn Đèn Cù, may thế! Tạ ơn Chúa!.
“Lâu lắm rồi tôi mới được đọc một cuốn Hồi ký – tiểu thuyết giàu chất văn chương hay như thế về đời thường của các quan to, quan nhơ nhỡ, quan bé, quan dựa cột… dềnh dàng. Càng đọc thì càng phải toát mồ hôi để bụng bảo với dạ rằng thì ra mãi cho đến hôm nay mới biết mình ngu thậm ngu tệ, ngu không cho ai ngu cùng, ngu không biết đường về vì cái lẽ bị dối lừa suốt bấy nhiêu năm, đọc mòn sách mà cứ bán tin bán nghi về những điều xưng xưng hão…”
“...Tôi tin rằng, những gì Đèn cù muốn chuyển tải, phải một thời gian lâu nữa mới đủ thấm ít nhiều vào sự tăm tối của tôi bởi đến bây giờ tôi mới thực sự nhận ra mình u mê bền vững quá”.
Đọc cái tường trình đầy cảm xúc nhặt được sổ gạo của ông Thịnh thì ta biết, bệnh ông mười phần đã khôn ra được đến bảy tám phần, nhờ đọc Đèn Cù. Tuy vẫn còn lẻ tẻ đôi ba cái ngu di căn còn sót thì, cũng “ phải một thời gian lâu nữa mới đủ thấm ít nhiều”. Có lẽ ông Thịnh nên luôn luôn thủ trong túi một cuốn Đèn Cù, như kiểu "sổ đỏ" Mao Trà Tung, để lúc nào thấy cái ngu nó thập thò thì rút "trước tác" ra, đập cho nó một nhát, gọi là điều trị tức thì.
Thế nhưng ông Hà Văn Thịnh, lại là một người cực kỳ "công chính", thứ nhất vì ông tuy có ngu nhưng cũng đường đường là giáo sư, thứ hai là lẽ nào giáo sư lại quảng cáo không công cho Đèn Cù, thứ ba là ông e ngại "thuốc" này chỉ hợp với tạng “ngu thậm ngu tệ, ngu không cho ai ngu cùng, ngu không biết đường về” mà không hợp với các tạng ngu khác, và nhất là, lỡ nó chống chỉ định với người khôn thì sao, cho nên ông lại càng phải thận trọng khi quảng bá "thần dược" Đèn Cù:
“Cũng xin nhấn mạnh là tôi không dám đoan quyết những gì trình bày trong Đèn cù là hoàn toàn xác thực (lý do sẽ nói ở cuối bài này); do đó, cảm nhận của bài này chủ yếu dựa trên niềm tin vào sự trung thực của tác giả”.
Chết cha, hóa ra căn bệnh “ngu thậm ngu tệ, ngu không cho ai ngu cùng, ngu không biết đường về” của giáo sư Hà Văn Thịnh có hết được hay không, lại không phải do "thuốc", tức là do nội dung cuốn “Đèn Cù” quyết định, thậm chí ông Thịnh còn chưa cần biết đến chuyện nó là thuốc thật hay thuốc dỏm, ông cứ vừa dùng vừa khen toáng lên cái đã. Bây giờ, thì ta đã biết, rồi đây ông Thịnh sẽ khôn ra hay là lại vẫn tiếp tục ngu, điều đó chỉ và chỉ phụ thuộc vào “y đức” của ông lang  Đĩnh, và do "sự trung thực" của ông lang Đĩnh quyết định tất thảy. Nguy to, nguy to!
Nói dại, bây giờ lại có một anh ấm ớ nào đó bóc mẽ ra chuyện nói khoác của Trần Đĩnh trong Đèn Cù, thì sao? Giáo sư Thịnh lại tiếp tục “ngu hết cả phần thiên hạ” chăng ? Nhưng mà khi đã biết Trần Đĩnh nói khoác thì sao nhỉ, ông Thịnh gọi là khôn ra hay ngu thêm CACC nhỉ? Có một cái nghịch lý gì đó ở đây...

Tôi không biết. Và cũng không cần biết. Và mặc kệ. Cho dù giáo sư Hà Văn Thịnh có khôn ra hay vẫn tiếp tục ngu, thậm chí ông có thể còn ngu thêm đi chăng nữa. Kệ. Ông vẫn phải trả tiền “giải ngu” cho bác Trần Đĩnh tôi, để tác giả Đèn Cù bổ túc vào công cuộc “giải ngân” còn đang rất bí bách!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.