Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

PHÍA SAU MƯU ĐỒ ĐÒI CÔNG KHAI LÁ PHIẾU CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Trong buổi họp, chỉ có 15 đại biểu bỏ phiếu không thông qua. Chỉ một ngày sau, đại biểu Dương Trung Quốc đã khoe với báo chí rằng ông là một trong số 15 người này. Ngoài ra, ông Quốc cũng kêu gọi Quốc hội công bố lá phiếu thuận/chống của từng đại biểu, để người dân tiện giám sát đại biểu mà họ đã chọn.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng đề xuất này đến từ ông Nguyễn Quang A, người đứng đầu tổ chức chống Nhà nước là Diễn đàn Xã hội Dân sự, chứ không phải từ ông Dương Trung Quốc. Cụ thể, ngày 29 tháng 5, Nguyễn Quang A viết trên Facebook cá nhân rằng các đại biểu Quốc hội phải công khai lá phiếu của mình khi thông qua dự luật An ninh Mạng và dự luật Đặc khu, để “dân biết ai là người yêu nước và ai là kẻ bán nước”. Ngày 2 tháng 6, phóng viên chống chính quyền trên facebook Mai Quốc Ấn viết bài tuyên truyền theo hướng tương tự, đồng thời cho biết ông Dương Trung Quốc đã đưa ra đề nghị này từ năm 2010. Trong hai bài viết vào ngày 6 và ngày 12, tổng biên tập Luật khoa Tạp chí là Trịnh Hữu Long cũng tuyên truyền tương tự. Phải đến ngày 13 tháng 6, ông Dương Trung Quốc mới phát biểu trên báo chí rằng “nên công khai nút bấm của các đại biểu Quốc hội”. Cụm từ “công khai nút bấm” mà ông Quốc sử dụng giống hệt tiêu đề bài viết của Mai Quốc Ấn vào ngày mùng 2.

Trong khi đó, Mai Quốc Ấn và Dương Trung Quốc có thể có liên hệ với nhau. Dương Trung Quốc đã làm đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Còn Mai Quốc Ấn là con trai của Mai Sông Bé, người giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp và giữ chức Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai nhiều năm, dù không có bằng cấp III.

Ngoài ra, còn có nhân chứng khẳng định rằng Dương Trung Quốc quen dùng ngôn ngữ của các nhà chống Cộng. Cụ thể, sau khi gặp Dương Trung Quốc ở Hà Nội vào cuối tháng 6 năm 2017, "phóng viên" Tôn Phi của trang mạng chống nhà nước là "Việt Nam Thời báo" khẳng định rằng Quốc được bạn bè gọi là Dương Trung Cộng, và cảm thấy thích thú về việc đó.

Qua một số sự việc có vai trò và thể hiện sự dẫn dắt, định hướng dư luận của ông Dương Trung Quốc qua vụ việc như vụ "đòi tiền cơm" cho nhóm dân nổi loạn Đồng Tâm, vụ đòi "công lý" cho tâm thần chính trị hoang tưởng có chứng chỉ như Lê Anh Hùng... đều cho thấy ông Dương Trung Quốc luôn "tung hứng nhịp nhàng" với giới đầu não "nhân sỹ trí thức chống cộng", đủ để khiến dư luận đặt câu hỏi: Sao trùng hợp ngẫu nhiên nhiều đến thế!?! 

Nếu Dương Trung Quốc vừa ăn nói như một nhà chống Cộng, vừa giúp các nhà chống Cộng tuyên truyền trên báo chí chính thống, thì phải chăng ông Quốc là đại biểu của phe chống Cộng núp danh nghĩa "đại biểu của người dân Đồng Nai"?
Nếu đúng như nhận định nêu trên, đã đến lúc dư luận nên cân nhắc việc đề nghị đại biểu Dương Trung Quốc "công khai nút bấm" của mình trong chuyện này. Ông Quốc cần nói rõ ông bỏ phiếu thuận hay phiếu chống cho chế độ chính trị của Việt Nam hiện tại. Nếu ông quyết định chống chế độ Xã hội Chủ nghĩa để thuận theo Nguyễn Quang A và phe cánh chống Nhà nước, ông nên rời khỏi mọi vị trí trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Còn nếu ông dùng vị trí trong chế độ để chống chế độ, ông sẽ vừa phản bội tổ chức, vừa phản bội lý tưởng của cá nhân ông.

Công bằng mà nói, việc “công khai nút bấm” của các đại biểu Quốc hội thật sự giúp người dân giám sát Quốc hội tốt hơn. Tuy nhiên, đa số người dân Việt Nam mới tiếp cận các thứ quyền mới mẻ này, kỹ năng để hưởng thụ các quyền năng dân chủ, nhân quyền cũng như ứng phó với các chiêu trò dắt mũi, lợi dụng, thao túng từ các thế lực truyền thông (cả lề trái và lề phải) còn rất hạn chế.

Từ cuối tháng 5 đến nay, nhóm Diễn đàn Xã hội Dân sự của Nguyễn Quang A liên tục định hướng dư luận, khiến một bộ phận không hề nhỏ trong dân chúng tin rằng chính phủ đang “bán nước” cho Trung Quốc khi định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất ở đặc khu kinh tế với thời hạn 99 năm. Trên thực tế, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư vào 3 đặc khu trên chưa có bất cứ doanh nghiệp Trung Quốc nào; trong dự luật không có điều khoản nào "cho Trung Quốc thuê" cả... Khi làm vậy, "phong trào dân chủ" do Nguyễn Quang A dẫn dắt, được giới chống cộng thổi bùng, phụ họa đã đánh lừa dư luận, vì thời hạn cho thuê không phải là vấn đề cốt lõi của dự luật Đặc khu, và luật pháp hiện hành đã cho nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất với thời hạn 70 năm trên toàn quốc. Quả lừa này đã góp phần gây ra cuộc bạo động ở Bình Thuận, một số khu công nghiệp phía Nam, và phong trào “biểu tình kẹt xe” của đảng Việt Tân. Nếu công khai lá phiếu của các đại biểu Quốc hội vào thời điểm này, thuận theo yêu cầu của nhóm Nguyễn Quang A, thì Quốc hội sẽ chỉ đẩy Việt Nam vào tình trạng hỗn loạn.

Quốc hội Việt Nam đã và đang cải cách để nâng cao tính minh bạch của mình. Tuy nhiên, các quyết định cải cách phải được đưa ra vào thời điểm phù hợp, tương thích với trình độ quản lý và kiểm soát xã hội cũng như năng lực thụ hưởng và dân trí của đại đa số người dân. Tất cả đòi hỏi này được đáp ứng đến đâu phải đến từ các nghiên cứu công phu, chứ không phải từ đề nghị của các tổ chức chống chế độ. Còn không tương lai Việt Nam không khác gì bãi chiến trường sau khi "thử nghiệm cách mạng dân chủ" như Syria, Iraq...


Nguồn: Loa Phường
Ngày 20 - 6 - 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.