Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP, VÌ SAO NÊN NỖI?

"Gần đây, dư luận được phen mở mắt chứng kiến các “nhà sáng lập” của cái gọi là “Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam” đập nhau tơi tả. Họ không còn giấu giếm, lấp liếm và thỏa hiệp được với nhau trong nội bộ mà lôi nhau lên trước các trang/kênh thông tin của mình để băm nhau thẳng thừng. Không ngừng lại, họ lôi kéo các con nhang, đệ tử trong trường phái “ly khai Hội nhà văn Việt Nam” để băm nhau cho có thế có lực. Cuộc khẩu chiến này chắc chắn chưa thể dừng cho đến khi cái tổ chức mà họ kiêu hãnh, tuyên bố lùm xùm từ khi “sáng lập” kia tan rã và một tá tổ chức mới sẽ hình thành để bảo vệ đường hướng cho phe cánh của mình trong nhúm “lực lượng văn chương độc lập” này. 

Có thể tóm lược đại khái cuộc đại chiến này, về công khai là xung quanh bản chất của văn chương và định hướng chính trị của “Văn đoàn độc lập” với 2 phe chính nổi lên như sau:

Phe thứ nhất gồm toàn gương mặt của đứng đầu Văn đoàn Độc lập – bao gồm Hoàng Hưng, Nguyên Ngọc, Hoàng Dũng – tuyên bố rằng văn nghệ sĩ không phải là công cụ phục vụ số đông, phục vụ chính trị; mà phải được tự do sáng tạo, đi tìm cái mới, kể cả cái mới khó hiểu và xa lạ với số đông.

Phe còn lại, được xem như là nhóm ly khai – bao gồm Trần Mạnh Hảo, Hà Sĩ Phu, Lê Phú Khải, Paul Nguyễn Hoàng Đức – tuyên bố rằng văn nghệ “phải gắn với hiện tình phải là công cụ để phụng sự đất nước, chống giặc nội xâm và ngoại xâm”; và phải dễ hiểu với tầng lớp bình dân".
Văn đoàn độc lập thời kỳ đầu mới li khai khỏi Hội nhà văn Việt Nam (Nguồn: fb). 
Đó là toàn bộ đoạn thuật lại của Nguyễn Biên Cương về cái tình trạng mới đây nhất của Văn đoàn độc lập, tổ chức mang hơi hướng xã hội dân sự được tách ra (tự phát) của một số cá nhân từ Hội nhà văn. 

Như đã biết, Văn đoàn độc lập ra đời từ cái sự cho rằng, nếu cứ ở mãi trong cơ chế, trong định hướng này kia sẽ giết chết nền văn học; rằng nền văn học Việt sẽ chưa thể cất cánh chừng nào vẫn còn bị ràng buộc này kia. Họ li khai và ra đi không ngoài việc để khẳng định và chứng minh giá trị của mình. Song bẵng đi năm năm, tất cả lại quay về từ đầu với những mâu thuẫn mà để giải quyết nó chỉ có kẻ đi người ở mà thôi. 

Và trên thực tế, những sự ra đi đã bắt đầu sau những cuộc cãi vã như thế... 

Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về tình trạng hiện nay, nhất là nguyên nhân vì sao nên nỗi không hề đơn giản một tí nào... Bởi lẽ, lúc ra đi, họ (tuy không phải là tất cả) hợp nhất nhau ở ý chí, suy nghĩ và đương nhiên cả mục tiêu. Nhưng sau 5 năm có vẻ như điều đó không hẳn và chúng ta chợt nhận ra rằng, ngay trong lớp người ra đi đó bản thân họ đã chất chứa những mâu thuẫn cả nội tại và ngoại tại. Họ ra đi vì thế không hẳn là để tìm kiếm không gian mới, cảm hứng mới mà có lẽ vì họ nhiều hơn. Hay nói rõ hơn, họ ra đi mang danh nghĩa là cái chung nhưng thực chất vì mình... Nhiều người trong số đó, do nhiều năm không có sáng tác mới hay và để đời; số khác lại bất mãn vì có những người trẻ, giỏi giang đã thế chân mình, thậm chí tiếp quản những cương vị họ đã nắm giữ nhiều năm... Cũng có số lại nghĩ ra đi chỉ đơn giản để đổi thay... 

Và với những mục đích khác nhau ấy, sẽ không có gì lạ sau một thời gian(chứ chưa cần đến 5 năm mà trước đó), sự rạn nứt trong mục tiêu và đường hướng đã xảy ra. Khi mà cái tôi được đề cao và nói đến thì chính họ (những cá nhân trong đó) lại đối diện với những đối kháng và điều đó buộc họ phải nói ra để giải phóng mình. Cái cá tính của giới nghệ sỹ khiến họ chỉ có sự lựa chọn đó. 

Một giả thuyết khác cũng được nói ra, đó là mặc dù có chung mục tiêu và họ ra đi cùng mục tiêu song chính cái cơ chế thị trường với đầy đủ những oan trái, khó hiểu đã giết họ. Khi không còn được bảo trợ, tự trôi, tự nổi thì họ sẽ phải đối diện với chính mình, với người thân và bối cảnh xung quanh. Cái nghịch lý "cơm áo không đùa với khách thơ" bủa vây họ. Sự bế tắc trong nghiệp sáng tác và sự quẫn cực trong đời sống nhỡn tiền khiến nhiều người trong họ không thoát khỏi được chính mình. Họ cãi vã, tranh luận chỉ để chứng minh mình và sự bất đắc chí khiến họ phải ra đi dù không thích đi nữa... 

Văn đoàn độc lập đang dần hạ màn. Đó là điều mà bất cứ ai khi đọc qua, tìm hiểu qua tình hình hiện tại có thể nghĩ tới được. Nhưng nếu có một mẫu chung từ chuyện này thì có thể đó là việc bắt nguồn từ mục tiêu của sự ra đi ban đầu. Chính cái sai lầm khi ra đi đã đẻ ra những cái sự nhiêu khê, bế tắc và mâu thuẫn tiếp theo. Sự vãn hồi, cận kề sự tan ra là một cái tát với những kẻ tin rằng sẽ có lúc, Văn đoàn độc lập sẽ vượt mặt, chiếm lấy cái vai trò, địa vị chính trị và nhân bản của Hội nhà văn Việt Nam... 


An Chiến
Ngày 12-8-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.